Cách đây không lâu, bức xúc vì không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ); tham gia BHXH, BHYT, BHTN; làm thêm giờ nhưng không được tính lương thỏa đáng, hơn 50 công nhân (CN) một công ty bốc xếp hàng hóa (trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP HCM) đã ngừng việc. Thế nhưng khi đại diện công ty và các cơ quan chức năng có mặt để giải quyết sự việc thì mọi người cứ đùn đẩy cho nhau, không ai dám đứng lên trình bày sự việc.
Tự đánh mất quyền lợi
Mất khá nhiều thời gian để động viên, một số CN mới chịu mở lời. Đánh giá các kiến nghị của CN là chính đáng, cơ quan chức năng quận Bình Thạnh yêu cầu công ty phải lập tức khắc phục sai phạm: phải ký HĐLĐ, đóng BHXH, BHYT, BHTN, tăng lương cho người lao động (NLĐ) theo cam kết... Thế nhưng khi công ty “khắc phục” sai phạm thì quyền lợi của CN lại bị thiệt nhiều hơn. Với gần 300 CN đang làm việc tại công ty, trong đó có nhiều người làm việc từ 3-9 năm nhưng công ty chỉ ký HĐLĐ thời hạn 1 năm; mức lương trong HĐLĐ chỉ có 2,7 triệu đồng/tháng (trong khi lương hiện tại của CN đã là 150.000 đồng/ngày); buộc CN phải trích 32,5% tiền lương để đóng BHXH, BHYT, BHTN…
Công ty còn ép CN phải lựa chọn 1 trong 2 phương án: chấp nhận ký HĐLĐ với mức lương bèo bọt hoặc viết đơn từ chối ký HĐLĐ, trở lại làm việc như trước đây. Ai không đồng ý 2 cách trên, công ty cho nghỉ việc. “Vì miếng cơm manh áo nên hầu hết CN đành chấp nhận để quyền lợi tiếp tục bị xâm hại, chỉ có khoảng 10 người không đồng ý nên bị cho nghỉ việc” - anh Vũ, một CN, cho biết.
Ngay khi bị ép thôi việc trái pháp luật, các CN đã gọi điện đến cơ quan chức năng phản ánh. Nhưng khi cơ quan chức năng yêu cầu gửi đơn thì CN lại trả lời “không biết viết đơn”. Một luật sư hứa sẽ hướng dẫn CN làm đơn và thủ tục khởi kiện thì nhận được câu trả lời “không biết đường đi, không có thời gian…”. Vị luật sư ngao ngán: “CN muốn đòi quyền lợi nhưng lại quá thụ động nên dù tôi có muốn giúp cũng khó”.
Hiểu luật để không bị thiệt
Mới đây, trong khi một số đồng nghiệp sợ bị trù dập, bị mất việc làm nên chấp nhận buông xuôi, bỏ qua quyền lợi chính đáng của mình thì 20 nhân viên (NV) bảo vệ nông trường của một công ty ở huyện Củ Chi, TP HCM đã làm đơn khiếu nại việc không được tính tiền trực đêm thỏa đáng trong suốt một năm rưỡi. Sau khi tìm hiểu, xét thấy kiến nghị của NV hoàn toàn đúng, lãnh đạo đơn vị đã duyệt chi hơn 500 triệu đồng. Giám đốc công ty cho biết ông rất trân trọng những NV dũng cảm, chính trực, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như số NV này.
Còn anh Lê Duy Khang và anh H.D.T đã khởi kiện Công ty TNHH Sắt thép Vĩnh Đa (quận Tân Bình, TP HCM) ra tòa do đột ngột bị “cấm cửa” vì từ chối tăng ca. Kết quả ở cả 2 cấp tòa, họ đều thắng kiện. Tuy nhiên, trong khi anh Khang được bồi thường hơn 87 triệu đồng thì anh T. chỉ nhận được 10 triệu đồng. Anh Khang cho biết khi khởi kiện, anh đã liên hệ với Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM để nhờ tư vấn, đồng thời tự tìm hiểu thêm và đề xuất đầy đủ các khoản bồi thường. Còn anh T. sau khi dự phiên tòa của anh Khang thì tiếc nuối: “Tôi không hiểu biết pháp luật, lại ngại đi lại hỏi han nên nghe một người quen nói HĐLĐ tôi còn 2 tháng hết hạn, tôi chỉ được bồi thường 2 tháng ấy cộng với 2 tháng tiền lương do chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, vì vậy tôi chỉ đòi có chừng đó, giá như tôi chịu khó tìm hiểu thì đã không thiệt thòi như vậy”.
Dễ bị lợi dụng
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn đào tạo nguồn nhân lực Nam Việt, nhận định: Nhiều NLĐ còn tự ti, nhút nhát và sợ mất việc làm nên không dám đấu tranh khi quyền lợi bị xâm hại. DN đã lợi dụng điều này để chèn ép NLĐ. Cho nên thay vì chờ đợi sự can thiệp của cơ quan chức năng, mỗi NLĐ nên ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình, thẳng thắn góp ý, kiến nghị để DN điều chỉnh; qua đó vừa bảo vệ quyền lợi của mình vừa góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.
Bình luận (0)