Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tổng LĐLĐ Việt Nam, đến hết năm 2022 đã có 58/63 LĐLĐ tỉnh, thành phố; 16/19 Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam thành lập 76 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật. Hiện có 2.945 cán bộ tư vấn pháp luật trong hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong đó có 425 cán bộ tại cấp tỉnh, chiếm 14,43% và 2.520 cán bộ cấp trên trực tiếp cơ sở, chiếm 85,57%.
Tại hội nghị, các cán bộ Công đoàn cho biết việc thành lập các trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ rất có ý nghĩa với đoàn viên - lao động, tuy nhiên quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, nhất là nhân sự và tự chủ tài chính. Các đại biểu kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm có cơ chế đặc thù để thu hút đội ngũ luật sư giỏi làm việc tại hệ thống các trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ NLĐ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhấn mạnh hoạt động của các trung tâm sau khi thành lập cần bám sát nhu cầu của đối tượng phục vụ, không hoạt động theo kiểu phong trào. Phải chú ý truyền thông tốt để đoàn viên, NLĐ biết đến hoạt động dịch vụ của tổ chức Công đoàn.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu LĐLĐ các tỉnh, thành, Công đoàn ngành khi thành lập, tổ chức lại các trung tâm tư vấn và hỗ trợ NLĐ phải có lộ trình đầu tư đào tạo, xây dựng đội ngũ tư vấn pháp luật, luật sư hoạt động để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Bình luận (0)