Trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động, chị Nguyễn Thị Mai Anh - vốn là trợ lý tổng giám đốc, làm việc ở chi nhánh Công ty TNHH World Nets Việt Nam đóng tại quận Phú Nhuận, TP HCM- bức xúc: “Đơn kiện của tôi đang được giải quyết theo đúng trình tự tố tụng tại TAND quận Phú Nhuận thì công ty đột nhiên “biến mất”. Công ty đóng cửa, đóng website, cắt mọi thông tin liên lạc. Chưa hết, lãnh đạo công ty còn thường xuyên thay đổi địa chỉ cư trú, lẩn tránh cơ quan chức năng. Tôi không biết làm cách nào để đòi quyền lợi...”.
“Biến mất sau 1 đêm”
Chị Mai Anh ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) thời hạn 1 năm với Công ty TNHH World Nets Việt Nam từ tháng 8-2013. Ngày 6-12-2013, khi chị đang mang thai, công ty đột ngột ra quyết định chấm dứt HĐLĐ. Thời điểm đó, trả lời báo chí về hành vi vô cớ chấm dứt HĐLĐ với chị Mai Anh, đại diện công ty tuyên bố: “Quyết định của chúng tôi là có căn cứ pháp lý, còn chuyện đúng hay sai do tòa án quyết định”. Thế nhưng, khi đơn kiện của chị Mai Anh được TAND quận Phú Nhuận thụ lý (ngày 14-8-2014), chưa kịp xét xử thì công ty... biến mất.
Tình trạng doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi của người lao động rồi im lìm “biến mất sau 1 đêm” mà không hề thông báo cho các cơ quan chức năng hay thực hiện thủ tục giải thể, phá sản như Công ty TNHH World Nets Việt Nam diễn ra khá phổ biến. Cũng như chị Mai Anh, khi chị Hoàng Thị Thanh Hương (ngụ quận 2, TP HCM) trở về Công ty TNHH Tôn thép Việt Nhật (quận 2, TP HCM) để đòi sổ BHXH thì phát hiện công ty đã biến mất. “Công ty không còn ở địa chỉ cũ, số điện thoại của công ty lẫn điện thoại riêng của giám đốc và vợ giám đốc đều không liên lạc được. Nghe đâu giám đốc đã bỏ trốn vì nợ nần” - chị Hương nói. Không lấy được sổ BHXH, chị đã bị BHXH quận 2 khước từ chốt sổ với lời giải thích công ty đang nợ BHXH. “Tôi tham gia BHXH đúng quy định của pháp luật sao phải chịu thiệt thòi như vậy?” - chị Hương ấm ức.
Hy vọng bằng không
Khi quyền lợi bị xâm phạm, người lao động thường tìm đến các cơ quan chức năng hay tòa án mong được bảo vệ quyền lợi song mọi việc cũng chỉ biết trông chờ vào rủi may. Đơn cử như trường hợp của ông Võ Thái Học, nhân viên Công ty CP Bình An (quận Bình Thạnh, TP HCM). Ông Học gắn bó với công ty 33 năm, trải qua 5 đời giám đốc. Tháng 11-2014, do đến tuổi nghỉ hưu nhưng không được giải quyết chế độ, ông gửi đơn kiến nghị cho công ty 2 lần nhưng không được phản hồi. Nóng lòng, ông đã 3 lần lên văn phòng gặp trực tiếp giám đốc để hỏi thì đều được trả lời: “Tôi đang lo hồ sơ cho anh, chờ tiền nghiệm thu công trình về công ty sẽ chốt sổ BHXH cho anh”.
Tuy nhiên đó chỉ là lời hứa suông. Quá bức xúc, ông gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh nhưng cũng không được trả lời. Ông tiếp tục gửi đơn đến BHXH
TP HCM và Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Lần này, cả 2 cơ quan đều khuyên ông nên kiện ra tòa bởi công ty này nợ BHXH từ tháng 8-2013. Nghe lời khuyên, ông đến TAND quận Bình Thạnh nộp đơn kiện. Thế nhưng do không rành thủ tục, sau 4 lần đi lại, ông chỉ mới hoàn tất được tờ đơn kiện theo đúng yêu cầu của tòa. Ông Học buồn rầu: “Dù biết đi kiện sẽ lắm gian truân và kết quả có thể bằng không nhưng tôi vẫn phải làm vì đây là hy vọng cuối cùng. Cả đời tôi đi làm chỉ mong cầm cuốn sổ hưu để an hưởng tuổi già nhưng ước muốn ấy không biết bao giờ mới có được?”.
Bình luận (0)