Để bảo đảm lưới an sinh cho người dân trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số nhanh, hệ thống hưu trí đa tầng là giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị. Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), vấn đề xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt đang được lấy ý kiến.
Hai yếu tố gây áp lực
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết giai đoạn 2016-2021, bình quân mỗi năm có khoảng 110.000 người hưởng lương hưu mới. Thống kê sau 6 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014 cho thấy có 661.000 người lao động (NLĐ) nghỉ việc hưởng lương hưu hằng tháng.
Trong số những người nghỉ hưu giai đoạn này, 435.000 người được hưởng trợ cấp một lần (chiếm 65,8%). Điều đó cho thấy cứ 3 người nghỉ hưu thì 2 người hưởng lương hưu tối đa (mức 75%).
Người lao động tự do được truyền thông về chính sách BHXH tự nguyện
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 14,2 triệu người trong độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này, chỉ trên 3,2 triệu người đang được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng. Nếu tính cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (HTXH) thì khoảng 5,1 triệu người (35%) được hưởng các khoản trợ cấp hằng tháng.
Thống kê cho thấy đến nay, khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu vẫn chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH hoặc tầng an sinh xã hội nào khác. Các chuyên gia an sinh cho rằng lương hưu là yếu tố cần thiết bảo đảm cuộc sống cho mỗi người khi về già, tránh phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho xã hội.
Tuy nhiên, hệ thống hưu trí Việt Nam hiện được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với 2 chế độ dựa trên đóng góp của NLĐ và doanh nghiệp (DN) thuộc BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; không dựa trên đóng góp (HTXH, do ngân sách nhà nước chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH khác và cho người 60 - 79 tuổi dựa trên gia cảnh). Tính chung, 2 chế độ hưu trí này chỉ bảo đảm cho khoảng 40% người cao tuổi, số còn lại không có lương hưu và trợ cấp.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng có thể coi là hai yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. "Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam không đạt được mục tiêu về tỉ lệ số người sau tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp HTXH năm 2021 đề ra trong Nghị quyết 28 của trung ương. Đó là khoảng 45% số người độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp HTXH" - một lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH nhận xét.
Thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng
Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH - Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này, đáng chú ý nhất là hệ thống BHXH được thiết kế đa tầng, gồm: trợ cấp HTXH (được quy định trong Luật Người cao tuổi với tên gọi trợ cấp xã hội), BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung.
"Đối với tầng HTXH, luật sẽ sửa theo hướng NLĐ đã tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng trợ cấp HTXH sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn" - ông Nam nhấn mạnh.
Theo quy định hiện hành, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội là từ 80 tuổi với mức 360.000 đồng/tháng. Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho hay chính sách này nhằm mục đích tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, nhất là giữa trợ cấp HTXH với BHXH cơ bản. Qua đó, NLĐ có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu hoặc hưởng ít nhất một trong các tầng của hệ thống BHXH.
Để vá "lỗ hổng" an sinh và theo kịp tốc độ già hóa dân số, PGS-TS Giang Thanh Long, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, đề xuất Việt Nam cần thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng, linh hoạt độ tuổi hưởng lương hưu. Cả nước hiện có 12,6 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số) và dự báo đến năm 2049 sẽ có 28,6 triệu (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi. Dân số già hóa nhanh, trong khi hệ thống hưu trí Việt Nam được thiết kế đơn tầng với độ bao phủ hạn chế.
Theo PGS-TS Giang Thanh Long, Chính phủ cần thiết kế một hệ thống hưu trí đa tầng với công thức hưởng khác nhau. "Tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa vào những năm đóng BHXH ở mức thu nhập tối thiểu. Hưu trí tầng này do nhà nước phụ trách, nếu mức hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu thì bù thêm. Tầng thứ hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc, có thu nhập và tiếp tục tham gia BHXH theo nguyên tắc chia sẻ chung. Nhóm này tự chọn tuổi nghỉ hưu và mức hưởng tương xứng. Tầng thứ ba dành cho những người đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu như hình thức tài khoản cá nhân" - ông phân tích.
Nhiều nước áp dụng thành công
Hiện nhiều nước đã thành công trong việc thực hiện chính sách BHXH đa tầng. Theo đó, tầng phổ quát do nhà nước bảo đảm khi người dân đến tuổi già, không có lương hưu vì không tham gia BHXH bắt buộc; nếu tham gia BHXH tự nguyện thì được hưởng một khoản trợ cấp HTXH với hình thức trợ cấp tuổi già. Tầng BHXH bắt buộc thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng, chia sẻ và bền vững về tài chính, bao gồm cả chế độ hưu trí, tử tuất của BHXH tự nguyện. Tầng hưu trí bổ sung khi NLĐ hoặc DN muốn đóng cho NLĐ để được hưởng quyền lợi hưu trí cao hơn, thường do DN kinh doanh bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ đảm nhận.
Bình luận (0)