Chiều muộn 20-9, cầm trên tay hơn 10 triệu đồng tiền lương của 2 tháng “cày cuốc” tưởng đã mất trắng trước đó, vợ chồng anh Nguyễn Phúc Khánh, công nhân (CN) Công ty TNHH SMY (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM), mừng mừng, tủi tủi. Vừa đếm tiền, hai vợ chồng vừa nhẩm tính các khoản phải chi tiêu: tiền thuê nhà (4 triệu đồng), trả nợ tiền mua đồ ăn ở quán (1 triệu đồng), tiền chuộc xe và đồ đạc đã cầm (13 triệu đồng)… “Tính ra vẫn còn âm chị à, nhưng lấy được lương là may rồi” - chị Lê Thị Thu Sương, vợ anh Khánh, nói.
Đội mưa chờ lương
Tranh chấp giữa CN và Công ty TNHH SMY khởi phát từ ngày 10-8, ngày trả lương định kỳ hằng tháng nhưng công ty không trả mà hứa hẹn nhiều lần. Đến ngày 28-8, bà Nguyễn Thị Thúc Ý, giám đốc công ty, đột ngột đóng cửa xưởng và “mất tăm”, để lại lời hẹn ngày 10-9 sẽ trả lương, sau đó tiếp tục hẹn đến ngày 20-9. Trong thời gian đó, tưởng bà Ý đã bỏ trốn, 153 CN phối hợp cùng Công an xã Xuân Thới Sơn canh giữ công ty nhằm ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản.
Đến chiều 19-9, bà Ý đột ngột xuất hiện tại trụ sở Công an xã Xuân Thới Sơn đề nghị được mở kho lấy hàng giao cho đối tác. Biết tin, lo sợ sau khi lấy được hàng, bà Ý sẽ tiếp tục “biến mất”, CN đã từ chối chuyển hàng và đề nghị bà Ý về công ty giải quyết tiền lương cho họ. Do chưa đạt được thỏa thuận, tối hôm ấy, CN ra “tối hậu thư” yêu cầu bà Ý phải ở lại công ty cho đến khi trả đủ lương.
CN Nguyễn Thị Phượng kể: “Nghe tin giám đốc xuất hiện, có khả năng đòi được lương, tôi vội giao đứa con 3 tuổi cho chồng, đón xe buýt từ Bình Dương xuống TP HCM chiều 19-9 khi trong túi chỉ còn 15.000 đồng. Nhưng rồi lương không thấy, chẳng còn tiền để về, tôi phải trải áo mưa nằm trước cổng công ty để đợi”. Không riêng chị Phượng, hơn 20 CN khác cũng đội mưa, kiên trì ngồi canh trước cổng công ty suốt đêm 19-9 để chờ lương và ngăn bà Ý bỏ trốn.
Trước phản ứng quyết liệt của CN, chiều 20-9, bà Ý buộc phải bán máy móc, vải và giao hàng thành phẩm cho đối tác để lấy tiền trả lương cho CN. Chiều muộn hôm đó, khi khách hàng và đối tác vận chuyển máy móc, hàng hóa khỏi công ty, CN đã được nhận đủ lương tháng 7 và 8 với tổng số tiền gần 900 triệu đồng trong niềm vui vô hạn.
Tiếp tục chầu chực
Không may mắn như CN Công ty TNHH SMY, cuộc tranh chấp tiền lương giữa 70 CN và chi nhánh Công ty TNHH May mặc D&D (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) xảy ra cùng ngày vẫn chưa có hồi kết. Theo phản ánh của CN, ngày 30-8, sau khi xuất hàng xong, công ty đột ngột thông báo cho CN thôi việc với lý do giải thể công ty vì làm ăn thua lỗ. Hơn 250 triệu đồng tiền lương tháng 8-2014 của CN, công ty hẹn trả vào ngày 18-9. Tuy nhiên, sau khi cho số CN này nghỉ việc, công ty vẫn tiếp tục hoạt động và tuyển thêm 36 CN mới.
Chị Hà, một CN, ấm ức: “Làm việc từ đầu năm đến nay nhưng công ty lấy cớ mới hoạt động nên không ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho chúng tôi. Khi bị cho nghỉ việc, chúng tôi rất bất ngờ và bức xúc nhưng nghĩ công ty đang khó khăn nên chẳng đòi hỏi gì; thậm chí chấp nhận cho công ty nợ lương. Vậy mà công ty tráo trở, đẩy chúng tôi đi để tuyển CN mới...”. Đã vậy, đến hẹn, công ty vẫn không chịu trả lương cho số CN đã nghỉ việc mà tiếp tục hẹn đến ngày 19-9. Đến chiều 19-9, bà Lê Đào Mộng Trinh, giám đốc công ty, tiếp tục hẹn sẽ trả lương vào 2 đợt, một nửa vào ngày 23-9, số còn lại vào ngày 30-9. Tuy nhiên, CN không chấp thuận mà yêu cầu phải thanh toán hết trong ngày 20-9 đồng thời ngăn không cho bà Trinh rời khỏi công ty. “Toàn bộ máy móc, nhà xưởng là do công ty thuê mướn, giờ để giám đốc đi, lỡ bà ấy không quay lại coi như trắng tay nên tôi đành chấp nhận bỏ công việc mới xin được để đến đây canh chừng” - anh T., một CN, cho hay.
Nhằm xoa dịu bức xúc của CN, 21 giờ ngày 20-9, bà Trinh đã trả cho mỗi CN 500.000 đồng, số còn lại hẹn trả vào ngày 25-9. Hiện CN đang thay phiên nhau túc trực trước cổng công ty, yêu cầu bà Trinh tiếp tục ở lại cho đến khi trả hết nợ lương cho CN.
Giữ nguyên hiện trạng công ty
“Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, trong thời gian chờ Công ty TNHH May mặc D&D trả lương, chúng tôi đã yêu cầu công ty không được di dời bất cứ tài sản, máy móc nào ra khỏi công ty cho đến khi hoàn tất việc trả lương cho CN. Chúng tôi cũng đã đề nghị CN phối hợp cùng chính quyền địa phương theo dõi, giám sát tình hình công ty. Khi có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý” - ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết.
Bình luận (0)