Cho rằng bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái quy định pháp luật, 27 công nhân (CN) Công ty TNHH Vagabond Việt Nam (huyện Hóc Môn, TP HCM) quyết định khởi kiện ra TAND huyện Hóc Môn đòi quyền lợi. Thế nhưng đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi nộp đơn, chưa có vụ nào được xét xử. Đáng nói hơn là một số trường hợp chưa được tòa thụ lý đơn hoặc triệu tập lần nào.
Sự chậm trễ từ phía tòa án
Đầu tháng 10-2021, sau thời gian ngừng việc để phòng chống dịch COVID-19, số CN nói trên trở lại nhà máy làm việc. Thế nhưng, họ bị bảo vệ ngăn không cho vào với lý do đã bị công ty cho thôi việc, dù trước đó chưa nhận được thông báo hay quyết định chấm dứt HĐLĐ. Ngày 2-11, họ được công ty gọi đến nhận thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ và quyết định chấm dứt HĐLĐ (thời điểm nghỉ việc là ngày 10-10-2021). Các quyết định nói trên đều do bà Lê Thị Huyền Thanh - giám đốc văn phòng - ký.
Sau khi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn hòa giải không thành, từ ngày 31-12-2021 đến 5-1-2022, các CN lần lượt nộp đơn khởi kiện ra tòa. Đến nay, có 25/27 đơn được thụ lý. Cần lưu ý là thời điểm ban hành các thông báo thụ lý vụ án là ngày 15-2-2022 nhưng phải mất từ 2 đến 8 tháng mới đến tay CN. Chị Trần Thục Linh cho hay đã nộp đơn khởi kiện từ ngày 5-1 nhưng ngày 11-10 mới được tòa giao tờ thông báo về việc thụ lý vụ án. Trừ lần lấy thông báo, hơn 9 tháng qua, chị Linh chưa được tòa triệu tập lên làm việc.
Tương tự, chị Lý Thục Khanh cũng nộp đơn khởi kiện vào ngày 5-1 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông tin gì từ tòa án. Khi người đại diện của chị đến tòa hỏi thì được trả lời vụ án đã được thụ lý và phân công thẩm phán phụ trách. Từ đó đến nay, chị Khanh vẫn chưa nhận được thông báo thụ lý vụ án.
Công nhân Công ty TNHH Vagabond Việt Nam mỏi mòn chờ ngày tòa xét xử
Chị Nguyễn Thị Trang thì may mắn hơn khi được triệu tập lên làm việc lần đầu sau gần 7 tháng nộp đơn. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết và làm việc 2 lần tại tòa, tháng 8-2022 chị Trang đã gửi đơn đề nghị không tiến hành hòa giải và nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử, hiện vụ việc vẫn chưa có tiến triển. "Dù việc khởi kiện rất khó khăn và phức tạp nhưng tôi vẫn kiên trì vì tin pháp luật sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong việc xử lý của TAND huyện Hóc Môn khiến chúng tôi nản chí" - chị Trang bức xúc.
Lỗi tại ai?
Sau hơn 1 năm 4 tháng nghỉ việc, giữa tháng 7-2022, bà N.T.S (quận 1, TP HCM) đã đến BHXH quận 1 làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Tại đây, bà được cán bộ phụ trách trả lời số sổ BHXH bị trùng với người khác, phải đến BHXH TP HCM làm thủ tục gộp sổ.
Sau khi hoàn tất thủ tục gộp sổ BHXH, bà S. quay lại BHXH quận 1 tiếp tục đề nghị giải quyết chế độ BHXH một lần thì được cho hay do bà vi phạm thời gian hưởng trợ cấp BHXH một lần trước đó nên không thể giải quyết. Nơi này một lần nữa đề nghị bà S. làm việc với BHXH thành phố. Bức xúc vì phải đi lại nhiều lần nhưng không được giải quyết chế độ thỏa đáng, bà S. gửi đơn đến Báo Người Lao Động.
Trả lời phản ánh của NLĐ, đại diện BHXH TP HCM cho hay từ dữ liệu lưu trữ, quản lý tại BHXH TP cho thấy trường hợp của bà S. có tham gia BHXH trên 4 số sổ BHXH. Số sổ thứ nhất có thời gian tham gia BHXH từ tháng 1-2001 đến 1-2010, đã hưởng BHXH một lần vào tháng 3-2011; sổ thứ 2 đóng từ tháng 7-2010 đến 11-2014, đã hưởng BHXH một lần vào tháng 12-2015; sổ thứ 3 đóng từ tháng 7-2015 đến 12-2016, đã hưởng BHXH một lần vào tháng 1-2018. Riêng số sổ còn lại có thời gian đóng BHXH từ tháng 4-2018 đến 3-2021 là chưa hưởng BHXH một lần.
Hiện BHXH quận 1 đã hoàn tất hồ sơ gộp sổ BHXH cho bà S., tuy nhiên, đối chiếu với quy định pháp luật thì tại thời điểm tháng 3-2011 và tháng 12-2015, bà S. không đủ điều kiện hưởng BHXH một lần do đang tham gia BHXH nhưng đã nhận BHXH một lần. Do vậy, BHXH thành phố đã có văn bản xin ý kiến BHXH Việt Nam về hướng xử lý đối với những trường hợp này và đang chờ hướng dẫn nên chưa thể giải quyết chế độ cho bà S.
Nhận phản hồi từ BHXH thành phố, bà S. vẫn rất bức xúc: "Cơ quan BHXH cho rằng tôi không đủ điều kiện hưởng BHXH một lần tại thời điểm tháng 3-2011 và tháng 12-2015 nhưng tại sao vẫn duyệt chi trả? Lỗi thuộc về NLĐ hay cơ quan BHXH? Nếu cơ quan BHXH chứng minh được lỗi của NLĐ thì nên có hướng dẫn hoặc giải pháp xử lý ngay để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH".
Quá thời hạn giải quyết
Luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, cho biết điều 191 Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định bao gồm việc tiến hành thủ tục thụ lý vụ án. Mặt khác, theo quy định tại điều 32 và 203 bộ luật này thì thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án tranh chấp lao động là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án tranh chấp lao động có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 1 tháng. "Như vậy, các vụ án lao động tại Công ty TNHH Vagabond Việt Nam được tòa thụ lý từ tháng 2-2022 nhưng đến nay chưa tiến hành xét xử là vượt quá thời hạn quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự"- Luật sư Tín nói.
Bình luận (0)