Nhiều nhân sự nước ngoài đến Việt Nam làm việc còn "bỡ ngỡ" trong giai đoạn đầu, bởi sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa... nhưng họ đã nhanh chóng hòa nhập và cảm thấy hài lòng khi với sự lựa chọn của mình. Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến hết tháng 7-2019, có 91.200 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Kỳ vọng và thách thức
Một báo cáo mang tên "Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam" mới được Navigos công bố cho thấy người nước ngoài đến Việt Nam làm việc đa số hài lòng về môi trường sống, nhưng "bỡ ngỡ" về văn hóa tại nơi làm việc. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát các ứng viên đến từ nhiều châu lục khác nhau và đa dạng về ngành nghề.
Khi được hỏi về các trải nghiệm văn hóa khi làm việc tại Việt Nam, mặc dù tỉ lệ của hai quan điểm "có" và "không" tương đối ngang nhau. Nhưng điều này cho thấy khoảng 50% người đến Việt Nam làm việc vẫn trải qua bỡ ngỡ về văn hóa. Một con số đang lưu ý là có khoảng 60% người tham gia khảo sát cho biết họ không được tham gia khóa đào tạo dành riêng cho người nước ngoài, đây có thể là lý do liên quan đến tỉ lệ "bỡ ngỡ văn hóa" nêu trên.
Giáo viên người Nhật Bản của trường Kaizen Yoshida tại TP HCM
"Bỡ ngỡ văn hóa" ở đây được báo cáo mô tả là thiếu sự tương tác, kết nối lỏng lẻo và có cảm giác cô lập song song với sự khác biệt trong ngôn ngữ và quan điểm xã hội. Theo khảo sát, các yếu tố dẫn đến "bỡ ngỡ văn hóa" đều liên quan đến sự khác biệt trong "hệ giá trị xã hội" - báo cáo viết. Theo đó, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến "bỡ ngỡ văn hóa" được các lao động người nước ngoài bình chọn lần lượt là rào cản ngôn ngữ (29%), sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế như môi trường, văn hóa bản địa, các mối quan hệ.. chiếm 27% và cuối cùng là thiếu sự thấu hiểu (18%).
Niklas Linnemann, một sinh viên ngành luật đến từ trường Đại học SDI Munich (CHLB Đức) cho rằng môi trường làm việc tại Việt Nam khá dễ dàng và ít ràng buộc. Tuy nhiên, theo Niklas, sự dễ dàng này sẽ là nguyên nhân khiến năng suất lao động giảm bởi sự dễ dãi trong sự thông cảm cho nhau. "Tôi sang Việt Nam làm việc dạng thực tập sinh và cảm thấy rất vui khi được các bạn Việt Nam chào đón nhiệt tình. Họ nói tiếng Anh tốt và luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi. Nhưng tôi cảm thấy "sốc" với khả năng vui chơi ngoài giờ làm việc của các nhân viên Việt Nam. Gần như ngày nào họ cũng mời tôi đi cà phê hoặc uống bia đến khuya mới về. Ban đầu tôi rất thích nhưng cũng nhanh chán vì rất mệt. Nhiều hôm cố gắng dậy sớm để đến công ty nhưng rất vui là chỉ mình tôi đến sớm nhất" - Niklas cho biết.
Môi trường làm việc ổn định
Khoảng 50% lao động nước ngoài cho biết lý do quyết định chuyển đến Việt Nam làm việc là cảm thấy có sự hứng thú trong trải nghiệm văn hóa và môi trường làm việc tại Việt Nam, một nửa trong đó cho biết họ hứng thú với văn hóa Việt Nam, số còn lại cho rằng họ muốn được trải nghiệm thị trường mới tiềm năng và nhiều cơ hội thử thách bản thân.
Niklas nói rằng trải nghiệm ở đâu cũng là điều cần thiết cho sự nghiệp của mỗi người. Nhưng nếu được trải nghiệm ở Việt Nam thì thú vị hơn bởi sống và làm việc trong một quốc gia yên bình, con người thân thiện và văn hóa đậm bản sắc dân tộc sẽ giúp người nước ngoài cảm thấy hứng khởi hơn cho cuộc sống của mình. "Cá nhân tôi cảm nhận mình có nhiều thay đổi khi đến Việt Nam dù chỉ mới 5 tháng. Sự khác biệt khiến tôi thay đổi bản thân để phù hợp và may mắn thay, những thay đổi này khá tích cực. Tôi rất hài lòng và đặt mục tiêu sẽ quay lại Việt Nam làm việc sau khi tốt nghiệp trong năm tới" - Niklas chia sẻ.
Báo cáo của Navigos nhấn mạnh rằng phúc lợi mà lao động người nước ngoài được hưởng tại Việt Nam không cao hơn chế độ phúc lợi tại quê nhà nhưng vẫn được đánh giá vẫn tốt. Mặc dù phúc lợi không cao, nhưng đổi lại chi phí sinh hoạt tại Việt Nam khá thấp nên đa số lao động nước ngoài hài lòng về tích luỹ. Nhiều người nước ngoài cũng cho rằng môi trường sống yên bình, chính trị xã hội ổn định mới là điều quan trọng hơn với họ khi chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp.
Ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm cho rằng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc thường đảm nhiệm ở những vị trí cao, vì lẽ đó tiền lương của họ là theo cơ chế thị trường có sự thỏa thuận giữa người lao động và bên sử dụng lao động. "Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới" - ông Trung nhận định.
Không còn rào cản phong cách làm việc
Ông Gaku Echizenya, Tổng Giám đốc Navigos Group Việt Nam cho rằng nền kinh tế 4.0 là một nền kinh tế có môi trường làm việc đa dạng, doanh nghiệp (DN) cần có nền văn hóa giao thoa thì việc có một đội ngũ nhân viên cao cấp người nước ngoài là điều cần cho DN. Đây là bước đệm đưa Việt Nam lĩnh hội tốt hơn "phong cách lãnh đạo toàn cầu". Đây cũng là cách giúp các DN FDI nhanh chóng hòa nhập và phát triển bền vững tại Việt Nam, bởi sẽ không còn bất cứ rào cản nào về văn hóa hay phong cách làm việc trong thời kỳ chuyển đổi số.
Bình luận (0)