Ngày 16-8, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài - Thực trạng và giải pháp".
Quang cảnh hội thảo
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH; bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam; PGS-TS Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; và ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, đồng chủ trì và điều hành Hội thảo.
Tham dự có gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo một số đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong nước và quốc tế về lĩnh vực lao động, việc làm. Tham dự trực tuyến còn có đại diện, chuyên gia của một số tổ chức quốc tế.
Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH phát biểu
Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, trong những năm qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt; thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… gia tăng đáng kể; nhiều thị trường mới đã được mở ra như Úc, New Zealand, Đức, CH Séc, Slovakia, Rumani.
Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm; trong giai đoạn từ 2013 đến 2021 đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài; lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và trong nước liên tục biến động, công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả, đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với một số cơ quan, tổ chức Hội thảo.... nhằm bổ sung cơ sở thực tiễn và lý luận, tham mưu, đề xuất chủ trương, định hướng lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề chính: Thực trạng lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, kết quả, hạn chế và nguyên nhân; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng làm việc; vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội; việc hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; thu phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; công tác đào tạo nghề, giáo dục định hướng nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Hội thảo cũng đã làm rõ hơn những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế yếu kém trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài những năm qua.
Bình luận (0)