Hơn 18 giờ, khi phụ huynh cuối cùng của lớp mẫu giáo ABC (tại B96 Nguyễn Thần Hiến, phường 18, quận 4, TP HCM) rước con ra về, không gian lớp học vài chục mét vuông bỗng trở nên tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng chuyện trò của hai mẹ con bé Nguyễn Thị Hồng Nhung (8 tuổi). Trong khi mẹ bận bịu lo bữa tối thì Nhung tự động soạn tập vở đi học rồi ngồi tập vẽ. Gia cảnh khó khăn, mẹ không có khả năng thuê trọ nên suốt những năm qua, hai mẹ con em sống nhờ tại lớp mẫu giáo này. Nhung là một trong 110 em được nhận học bổng Báo Người Lao Động năm học 2020-2021 sắp tới.
Học giỏi để mẹ vui lòng
Trò chuyện với chúng tôi, mẹ bé Hồng Nhung là chị Lê Thị Hiệp, nhân viên chăm sóc của lớp mẫu giáo ABC (Nghiệp đoàn Giáo viên mầm non quận 4), cho biết từ khi mới tập nói đến nay, Nhung sống chung với chị tại lớp mẫu giáo này. Dù bất tiện nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên chị không có lựa chọn nào khác.
Vợ chồng chị Hiệp quê ở Tiền Giang. Gia đình hai bên đều khó khăn nên sau khi kết hôn, anh chị không có nơi ở ổn định. Trước đây, vợ chồng chị thuê đất để nuôi dê rồi dựng tạm căn chòi ở tạm trên chính mảnh đất thuê. Cứ mỗi 3 tháng, anh chị mới xuất chuồng một đợt, sau khi trừ các chi phí thì cũng kiếm được vài triệu đồng. Với số tiền ít ỏi, phải dè sẻn lắm mới đủ ăn nên khi hai đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống gia đình chị càng thêm chật vật. Để các con có cuộc sống tốt hơn, chị Hiệp quyết định đưa bé Hồng Nhung lên TP HCM tìm việc làm. Từ đó đến nay, chị làm nhân viên chăm sóc trẻ tại lớp mẫu giáo ABC.
Sau giờ học, bé Nguyễn Thị Hồng Nhung rất thích vẽ tranh
Với mức lương chỉ xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng, chị đã xin ở lại trường để tiết kiệm chi phí thuê nhà trọ, phần tiền dành dụm được chị dành lo cho con. Dịch Covid-19 bùng phát khiến lớp mẫu giáo nơi chị làm việc phải đóng cửa nhiều tháng liền. Không có thu nhập, chị buộc lòng phải dắt con về quê sống nhờ ông bà ngoại để đỡ các khoản chi phí.
"Có việc lại, tôi mừng húm. Mấy tháng nay, tôi cứ nơm nớp lo sợ, nếu dịch kéo dài thì tôi không biết phải làm sao để lo cho con ăn học. Trước đây, cũng vì hoàn cảnh gia đình nên con gái lớn của tôi vừa học xong lớp 12 đã phải nghỉ để đi làm phụ giúp cha mẹ dù cháu rất muốn đi học nghề. Đó là điều khiến tôi ray rứt nhất. Vì vậy, tôi chỉ mong có thể lo cho bé Nhung học hành đến nơi đến chốn" - chị tâm sự.
Điều khiến chị cảm thấy may mắn nhất là Nhung rất ngoan và chăm học. Hai năm liền em đều là học sinh xuất sắc của Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình. Không chỉ vậy, Nhung còn bộc lộ năng khiếu ở bộ môn vẽ. Em cũng rất thích nhảy và ca hát nên dù còn nhỏ em đã thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ tại trường. Hay tin con được nhận học bổng của Báo Người Lao Động, chị rất vui. Bé Nhung thì háo hức: "Con muốn mẹ vui nên con sẽ ngoan và học thật tốt. Có phần thưởng, con cũng mang về cho mẹ".
Vượt khó vươn lên
Chồng mất đột ngột trong một vụ tai nạn giao thông cách đây 6 năm khiến cuộc sống của gia đình chị Diệp Thị Mại - công nhân (CN) Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, quận 6 - đối diện với muôn vàn khó khăn. Không có chỗ nương thân nên 3 mẹ con chị phải xin tá túc ở nhà một người bà con. Lúc ấy, dù còn nhỏ tuổi nhưng nỗi đau mất cha khiến em Nhan Diệp Yến Nhi (12 tuổi; học sinh Trường THCS Lam Sơn, quận 6, TP HCM) bị sốc.
Bé Nhan Diệp Yến Nhi tranh thủ làm bài tập trước giờ đi học thêm
Hôm chúng tôi ghé thăm, chị Mại vừa đi làm về. Chưa kịp thay bộ đồng phục CN, chị đã vào bếp nấu nướng để cho con kịp ăn trước giờ học thêm tiếng Anh vào buổi tối. Trò chuyện với chúng tôi, nhắc lại quãng thời gian 6 năm một mình vò võ nuôi con, chị không nén được xúc động. Chị kể chồng mất đi là cú sốc quá lớn với chị nhưng nhờ sự động viên của gia đình, anh em và vì có các con, chị đã gượng dậy.
Suốt mấy năm qua, chị cật lực tăng ca, dồn tất cả sức lực để lo cho con, để các con được đến trường. Toàn bộ thu nhập của chị (khoảng 6 triệu đồng, đã gồm tiền tăng ca) cũng chỉ đủ lo tiền học phí và tiền ăn cho 3 mẹ con nên chị chẳng dám lo nghĩ, sắm sửa gì cho mình. Từ khi dịch xảy ra cho đến nay, công ty gặp khó khăn, thu nhập giảm chỉ bằng một nửa so với trước khiến chị Mại khốn đốn, chạy vạy vay mượn khắp nơi.
"Tôi thì sao cũng được, nắm xôi, cái bánh cũng qua ngày nhưng không thể để các con đều tuổi ăn, tuổi học phải chịu khổ cùng mẹ. Mấy hôm nay vào năm học mới, bao nhiêu thứ tiền phải lo, thật lòng tôi vô cùng lo lắng. Vì vậy, hay tin con gái Yến Nhi được học bổng, tôi vừa mừng vừa tủi" - chị nghẹn ngào.
Thương mẹ vất vả lo cho mình và em trai ăn học, Yến Nhi có ý thức sớm tự lập. Không chỉ học giỏi 6 năm liền, ngoài giờ học, Nhi biết tự lo cho mình, biết phụ mẹ làm việc nhà và chăm em để mẹ bớt cực nhọc.
"Biết tin được học bổng, em vui lắm. Có học bổng, em sẽ đưa toàn bộ cho mẹ để mẹ lo học phí cho 2 chị em. Em thấy mẹ quá vất vả nên chỉ muốn mình lớn thật nhanh để có thể lo lắng lại cho mẹ" - Nhi bộc bạch.
Ông HỒ XUÂN LÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Chương trình đậm tính nhân văn
Dịch Covid-19 bùng phát khiến đời sống của người lao động đã khó nay càng khó khăn hơn. Không có việc làm, thu nhập không ổn định khiến những tính toán của người lao động trong việc chi tiêu cho con cái trước thềm năm học mới 2020-2021 không có lối ra. Phát huy những kết quả đã đạt được sau 2 năm triển khai chương trình, năm nay, học bổng Báo Người Lao Động tiếp tục động viên con CN khó khăn đến lớp, góp phần san sẻ gánh lo với các gia đình CN, nhất là CN mất việc, CN bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo. Mỗi suất học bổng tuy giá trị không cao song lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự động viên tinh thần rất lớn đối với các gia đình CN.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Vượt qua nghịch cảnh
Bình luận (0)