xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VIẾT TIẾP ƯỚC MƠ DANG DỞ: Khó khăn không sờn lòng

THANH NGA - HỒNG ĐÀO

Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa nhưng các em luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Đôi mắt không thể nhìn thấy nhưng cậu bé Trương Ngọc Huy, 17 tuổi, học sinh lớp 9 Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng (phường Tam Hà, quận Thủ Đức, TP HCM) lại có kiến thức xã hội, văn học, ngoại ngữ khá phong phú… Đó là kết quả của quá trình lâu dài em tự mày mò học trong chương trình sách nói, trên đài phát thanh, trên tivi.

Nghị lực của cậu bé khiếm thị

Huy là con trai đầu của chị Phạm Thị Phương Thảo, công nhân (CN) Công ty TNHH Tài Lộc Producing Communication Shoes (quận 9, TP HCM). Chị Thảo kể khi mang thai lần đầu, nghe bác sĩ thông báo song thai, cả nhà rất vui mừng. Đến tháng thứ 7, chị Thảo trở dạ sinh 2 con trai: Trương Ngọc Huy (1,1 kg) và Trương Ngọc Hoàng (1,2 kg).

VIẾT TIẾP ƯỚC MƠ DANG DỞ: Khó khăn không sờn lòng - Ảnh 1.

Học để trở thành người có ích là mong ước của cậu bé khiếm thị Trương Ngọc Huy . Ảnh: HỒNG ĐÀO

Hai đứa trẻ sinh non, nhẹ cân nên phải nằm bệnh viện hơn 1 tháng. Hoàng phát triển bình thường còn Huy vừa sinh ra đã bị khiếm thị bẩm sinh do võng mạc yếu. Chị Thảo kể: "Khi ấy, nhà tôi trong rẫy sâu, khó khăn quá nên hai con không được đi học mẫu giáo. Năm hai anh em 6 tuổi, vợ chồng tôi quyết định bán nhà, chuyển ra ở gần đường lớn để các con tiện học hành. Hoàng được đi học nhưng Huy không trường nào nhận".

Thời điểm ấy, được người quen giới thiệu Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng, chị quyết định gửi Huy học tại đây. Huy phải học chữ nổi suốt 3 năm mới bắt đầu vào lớp 1. Hiện nay, buổi sáng Huy học ở trung tâm khiếm thị, chiều học ở Trường Phổ cập Tam Hà chung với các bé bình thường. Mỗi ngày, Huy được cha chở đến trường và sau giờ tan học, em tự đón xe buýt về nhà. Phải trải qua 2 chuyến xe buýt với quãng đường hơn 20 km từ trường về nhà nhưng Huy không nản lòng. Suốt 9 năm đi học, Huy luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.

"Được đi học là em vui lắm. Điều em sợ nhất là không được đi học, không biết làm gì, trở thành gánh nặng cho ba mẹ. Vì thế, em phải cố gắng học thật giỏi để sau này còn tự lo được cho bản thân" - Huy bộc bạch. Trải lòng về mơ ước trong tương lai, Huy mong muốn làm thầy giáo để dạy cho những trẻ em khuyết tật kém may mắn như mình.

Sau Huy và Hoàng, chị Thảo còn sinh thêm một cậu con trai nữa. Đồng lương CN eo hẹp, trong khi phải phụng dưỡng cha mẹ già và lo chi phí sinh hoạt cho gia đình nên vợ chồng chị hết sức chật vật. Mới đây, em trai Huy là Ngọc Hoàng đã nghỉ học để đi làm phụ giúp ba mẹ nuôi anh và em trai. Nghe tin Huy được nhận học bổng Báo Người Lao Động, vợ chồng chị mừng rơi nước mắt, như trút được một phần gánh lo.

Mong có đôi giày mới đi học

Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Kim Hương, nhân viên vệ sinh của Công ty CP Nhôm nhựa Kim Hằng (quận 8, TP HCM), nằm trong hẻm sâu ở Hương lộ 11, huyện Bình Chánh khi trời chập choạng tối. Ngày nào cũng ra khỏi nhà từ lúc 4 giờ để đi làm nên thời gian duy nhất cho chị tiếp khách cũng như quây quần cùng các con là vào buổi tối.

Chị Hương cho biết chị lấy chồng đã hơn 30 năm và anh chị đón con gái đầu lòng không lâu sau khi kết hôn. Thế nhưng, niềm vui ấy vô cùng ngắn ngủi, bởi khi vừa được vài tháng tuổi, bé có biểu hiện chậm phát triển do di chứng của sốt bại liệt. Cố gắng chạy chữa hết cách nhưng không có kết quả, vợ chồng chị đành chấp nhận để con ở nhà chăm sóc.

Thương con, chị đã dành hơn 10 năm để dạy cho con học cách tự lập từ những công việc nhỏ nhất như: tự ăn cơm, tắm rửa, vệ sinh, thay quần áo... Khi con gái lớn có thể tự chăm sóc bản thân, vợ chồng chị mới sinh con thứ hai là bé Nguyễn Thị Bích Tuyền. Bất hạnh vẫn chưa buông tha gia đình khi bé Tuyền chưa tròn 2 tuổi thì chồng chị vĩnh viễn ra đi sau một vụ tai nạn.

Mất đi một chỗ dựa song mười mấy năm qua chị vẫn cố gắng hết sức để lo cho các con. Do đặc thù công việc nên ngày nào chị cũng phải ra khỏi nhà khi trời còn chưa sáng và đến chiều tối mới có mặt ở nhà để nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và lại tiếp tục chuẩn bị đồ ăn cho các con và cho mình mang đi làm ngày hôm sau. Đồng lương nhân viên vệ sinh vẫn không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà, do vậy, chị tranh thủ lượm phế liệu trong giờ giải lao để có thêm đồng ra đồng vào.

Chị tâm sự: "Với tình trạng của con gái lớn, tôi xác định sẽ phải chăm sóc cháu đến khi sức cùng lực kiệt. Điều tôi mong muốn nhất là có thể lo cho bé Tuyền được học hành đến nơi đến chốn, để sau này con tìm được công việc tốt tự nuôi sống bản thân".

VIẾT TIẾP ƯỚC MƠ DANG DỞ: Khó khăn không sờn lòng - Ảnh 2.

Sau giờ học, em Nguyễn Thị Bích Tuyền còn giúp mẹ làm việc nhà .Ảnh: THANH NGA

Nhắc đến con gái út, chị mỉm cười bởi dù hoàn cảnh thiếu thốn nhưng thành tích học tập của Tuyền khá tốt. Hiện em là học sinh lớp 8 Trường THCS Qui Đức, huyện Bình Chánh. Dù ít nói nhưng Tuyền rất có ý thức tự lập. Từ lâu, em tự chạy xe đạp đi học không cần mẹ phải đón đưa. Sau giờ học, Tuyền còn giúp mẹ công việc nhà và chăm sóc chị gái.

Hiểu được những vất vả của mẹ, Tuyền rất thương mẹ và chị, năm học mới dù còn thiếu thốn nhưng em không hề đòi hỏi mẹ mua sắm gì cho mình. Biết mình được học bổng Báo Người Lao Động, Tuyền rất vui. "Toàn bộ số tiền học bổng em sẽ đưa cho mẹ để lo chi phí trong nhà. Và nếu được, em muốn có một đôi giày mới để đi học..." - Tuyền ngập ngừng nói.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9

Kỳ tới: Vượt qua nỗi đau

"Chương trình học bổng Báo Người Lao Động ra đời vô cùng ý nghĩa, bởi không chỉ san sẻ gánh lo với gia đình CN khó khăn mà còn tiếp thêm động lực đến trường cho con CN, nhất là các em có hoàn cảnh không may".

ĐOÀN NGỌC DIỄM LAN - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 8, TP HCM

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo