Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Trần Thị Cẩm Loan, công nhân (CN) Công ty TNHH Ampfield (KCN Tân Bình, TP HCM).
Động lực đến lớp
Trong căn phòng trọ chật hẹp ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM, bà Phạm Thị Phương (65 tuổi), mẹ chị Loan, đang chiết nước tương vào từng bịch nhỏ để chuẩn bị cho buổi bán hàng hôm sau. Hơn 1 tháng qua, kể từ khi chị Loan được phẫu thuật tim, bà Phương bỏ luôn công việc giúp việc nhà ở tỉnh Bình Dương để về đây chăm sóc con gái.
Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, bà Phương bán cơm chiên trước cổng một trường học gần nhà trọ. Ngày đắt khách, bà kiếm được khoảng 100.000 đồng nhưng cũng có ngày ế chỏng chơ, thậm chí lỗ vốn. Dù vậy, bà vẫn cố gắng hết sức để phụ giúp con nuôi cháu.
Bà Phương quê ở Vĩnh Long, chồng mất sớm, một mình bà bươn chải đi giúp việc nhà nuôi 3 đứa con nên rất khó khăn. Chính vì vậy, dù phát hiện chị Loan mắc bệnh tim từ năm 8 tuổi nhưng gia đình vẫn không có điều kiện điều trị. Hơn 30 năm qua, chị Loan chấp nhận sống chung với bệnh tật và gắng gượng làm việc mong sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bảy năm trước, chị Loan lập gia đình và sinh bé Trần Lê Hải Nguyên (năm 2013). Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau khi sinh con thì vợ chồng đường ai nấy đi, một mình chị chăm sóc con trai. Với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, hai mẹ con chị phải tằn tiện lắm mới đủ sống qua ngày, không có tích lũy. Dù vậy, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì Hải Nguyên ngày càng khôn lớn, học giỏi và biết yêu thương mẹ. Hơn 1 tháng trước, bệnh của chị bỗng trở nặng, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.
"Lúc ấy, tôi lo lắm vì chi phí phẫu thuật cao trong khi đồng lương CN bấp bênh. Các anh tôi đều là thợ xây, hoàn cảnh rất khó khăn nên muốn giúp cũng không có khả năng. Thế nhưng, tôi may mắn được chương trình "Trái tim nghĩa tình" của LĐLĐ TP HCM hỗ trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật tim. Tôi mừng như người sắp chết đuối vớ được cọc vậy" - chị Loan chia sẻ.
Hạnh phúc của chị Trần Thị Cẩm Loan là bé Trần Lê Hải Nguyên ngoan ngoãn, học giỏi và yêu thương mẹ
Ngày 28-8, chị Loan được phẫu thuật tim thành công. Thời gian nằm viện phát sinh thêm nhiều khoản chi tiêu, chưa kể tiền nhà, điện nước trong khi sức khỏe còn yếu, chưa thể đi làm lại nên chị phải vay mượn khắp nơi. Hay tin bé Hải Nguyên được Báo Người Lao Động trao học bổng, chị Loan mừng rơi nước mắt. "Với suất học bổng của Báo Người Lao Động, bé Nguyên sẽ có thêm động lực đến lớp. Cám ơn quý báo và các mạnh thường quân đã san sẻ khó khăn với gia đình" - chị Loan bộc bạch.
Thương mẹ nên Hải Nguyên rất siêng học, 2 năm liên tục là học sinh giỏi của Trường Tiểu học Ngã Ba Giồng. "Con chỉ mong mẹ khỏe mạnh để ở bên con suốt đời. Có học bổng của Báo Người Lao Động, con hứa sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng mọi người" - bé Hải Nguyên bày tỏ quyết tâm.
Vượt qua những biến cố, em Hồ Lê Thanh Mai nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi
Vượt khó vươn lên
Hai năm trở lại đây, em Hồ Lê Thanh Mai, học sinh lớp 11 Trường THCS & THPT Trí Đức (quận Tân Phú, TP HCM), đã phải cùng ba di chuyển sang nhiều phòng trọ khác nhau. Nếu như trước đó, mỗi khi đi học về là có mẹ chuẩn bị cơm nước sẵn, thì nay mấy cha con thui thủi, chăm sóc cho nhau. Hoàn cảnh sống thay đổi không khiến Mai tự ti, trái lại em rất tự tin đối diện thử thách. Mai là một trong 110 học sinh được nhận học bổng Báo Người Lao Động.
Ba Mai là anh Hồ Tùng Lâm, cán bộ phòng tổng hợp Công ty CP Xây dựng Cơ khí Tân Bình Tanimex. Anh Lâm cho biết sau khi sinh 2 chị em Mai, vợ anh là chị Lê Thị Anh Thư phải nghỉ việc để chăm sóc các con. Thời gian rảnh, chị phụ việc ở một nhà hàng nhưng thu nhập không đáng là bao.
Do vậy, mọi chi tiêu trong nhà phụ thuộc vào thu nhập của anh. Tuy nhiên, nhờ 2 vợ chồng biết gói ghém nên cuộc sống gia đình tạm ổn định. Năm 2018, cả nhà anh suy sụp khi chị Thư bị phát hiện ung thư tử cung giai đoạn cuối. Để có tiền trị bệnh cho vợ, anh quyết định bán nhà và chuyển đến ở phòng trọ. Gần 2 năm điều trị, bệnh tình của vợ anh vẫn chưa thuyên giảm. Thuận theo tâm nguyện của vợ, anh đưa chị về quê ngoại ở Tiền Giang để dưỡng bệnh. Con gái thứ hai của anh (đang học lớp 6) cũng chuyển về đây học để nhờ ông bà ngoại chăm sóc.
Ngoài chi phí điều trị hằng tháng của vợ, anh Lâm phải trả tiền thuê nhà, nhất là khoản học phí cho 2 con nên cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Niềm an ủi của anh chính là 2 con đều ngoan ngoãn và học giỏi. "Dù cho khó khăn đến mấy tôi cũng quyết không để lỡ việc học của các con. Tâm nguyện của tôi hiện giờ là mong vợ chóng khỏe để cùng chăm sóc và nuôi dưỡng các con khôn lớn" - anh Lâm bộc bạch.
Học giỏi để ba mẹ vui
Trò chuyện với chúng tôi, Hồ Lê Thanh Mai cho biết khi mới hay tin mẹ bệnh, tinh thần em suy sụp rất nhiều, từ đó ảnh hưởng đến việc học. Thương mẹ nên Mai đã cố gắng hết sức để đạt thành tích cao trong học tập. Nghị lực vượt khó đã giúp Thanh Mai đạt thành tích học sinh giỏi nhiều năm liền; riêng năm học 2019-2020, Thanh Mai đã lọt vào tốp 5 giải ViOlympic cấp quốc gia môn vật lý. "Mẹ em là kế toán nhưng vì chăm sóc chúng em nên đã phải bỏ dở công việc yêu thích của mình. Do vậy, em mong sau này có thể thi đậu đại học chuyên ngành kế toán để nối nghiệp của mẹ" - Mai chia sẻ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Điểm tựa tinh thần
Bình luận (0)