Xác định chống dịch Covid-19 là một cuộc chiến lâu dài nên hầu hết các doanh nghiệp (DN) tại TP HCM đều đã chuẩn bị tốt các kịch bản để ứng phó nhằm đạt mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe công nhân (CN) vừa không gián đoạn sản xuất. Giãn chuyền, sắp xếp lại ca - kíp làm việc, đầu tư trang thiết bị y tế, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch đối với người lao động (NLĐ)… là biện pháp được các DN triển khai.
Cảnh giác cao độ
Với lượng đơn hàng dồi dào được chốt từ cuối năm 2020, Công ty CP Sản xuất Thương mại Vĩ Nam Việt (KCN Lê Minh Xuân) đã chuẩn bị rất kỹ các phương án phòng chống dịch tại nơi sản xuất.
Bên cạnh bố trí làm việc lệch giờ, Công ty CP Sài Gòn Food thường xuyên đo thân nhiệt cho công nhân.Ảnh: HỒNG ĐÀO
Theo ông Quách Vũ Bảo Châu, Chủ tịch Công đoàn công ty, thực hiện tốt các cam kết với khách hàng cũng đồng nghĩa với việc ổn định việc làm và thu nhập cho NLĐ, do đó ban giám đốc không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, mục tiêu hướng đến là không để sản xuất bị gián đoạn. Toàn bộ 260 CN khi vào công ty bắt buộc phải khai báo y tế điện tử, khử khuẩn và đeo khẩu trang mọi lúc. Công ty cũng yêu cầu NLĐ phải khai báo cụ thể tình hình dịch bệnh tại nơi mình sinh sống để từ đó có phương án bố trí lao động hợp lý và chăm lo cụ thể trong trường hợp bất khả kháng. Về phía DN, ngay khi dịch bùng phát, ưu tiên của ban giám đốc là bảo đảm quy định giãn cách giữa các vị trí làm việc. Hầu hết khâu sản xuất tại công ty đều ứng dụng công nghệ cao và CN được bố trí làm việc cách nhau ít nhất 10 m. Riêng khâu đóng gói, do vẫn còn tập trung đông CN nên ban giám đốc quyết định trưng dụng một nhà kho cũ để mở thêm chuyền, bảo đảm mỗi CN ngồi cách nhau 2 m. Chưa dừng lại đó, để hạn chế tiếp xúc, ban giám đốc cũng tạm đóng cửa nhà ăn; thay vào đó, đến giờ nghỉ trưa, CN sẽ được phát cơm ăn tại chỗ. Đồng thời, công ty cũng sắp xếp lại khu vực nghỉ ngơi, thư giãn của CN thành nhiều điểm nhỏ, mỗi điểm không tụ tập quá 3 người, mỗi người cách nhau ít nhất 2 m.
Khi Công ty TNHH Thực phẩm Vạn Đức có ca dương tính Covid-19 và hơn 500 CN phải đi cách ly tập trung, Công ty CP Sài Gòn Food đã lập tức triển khai các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt. Cụ thể là lập hàng rào ngăn cách giữa 5 nhà máy và bố trí làm việc lệch ca. CN vào 3 cổng từ 6 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút, riêng nhân viên khối văn phòng vào từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ. Bên cạnh đó, công ty cũng bố trí 50% nhân viên văn phòng làm ở nhà (đổi ca 2 tuần/lần.) Song song đó, công ty vẫn duy trì thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch cơ bản từ nhiều tháng nay như: đo thân nhiệt, khử khuẩn cho CN, nhân viên mỗi ngày trước và sau khi vào xưởng. Trong nhà ăn, CN được bố trí ngồi cách nhau hơn 1 m, bàn ăn có lắp đặt vách ngăn. Ngoài ra, công ty cũng yêu cầu tất cả NLĐ phải cài đặt phần mềm Bluezone trên điện thoại và cử cán bộ kiểm tra và nhắc thường xuyên.
Bảo đảm quyền lợi
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM, để vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ vừa bảo đảm hoạt động sản xuất, ngay đầu đợt dịch lần thứ tư, Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi) đã chủ động tăng cường các hoạt động phòng chống dịch.
Ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết bên cạnh việc duy trì công tác tuyên truyền về dịch bệnh, buộc NLĐ phải đeo khẩu trang khi vào xưởng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên và thực hiện khai báo y tế, công ty còn trang bị thêm máy quét thân nhiệt CN. Sau khi đi qua máy quét, CN được kiểm tra thân nhiệt một lần nữa để bảo đảm độ chính xác. Đối với những trường hợp sốt, nghi ngờ mắc bệnh, công ty bố trí một phòng riêng để cách ly tạm thời trong khi chờ đơn vị y tế đến xử lý. Bên cạnh đó, công ty còn lắp đặt vách ngăn tại nhà ăn, chia ca ăn trưa thành 2 đợt để bảo đảm giãn cách. "Hiện nay, công ty chưa phát sinh ca bệnh. Tuy nhiên, trước thực tế các ca bệnh phát hiện tại DN đa phần phát sinh tại nơi NLĐ cư trú, chúng tôi thường xuyên cập nhật các điểm nóng về dịch trên địa bàn huyện và bố trí cho những lao động đang sinh sống tại các vùng này tạm nghỉ việc để bảo đảm an toàn cho nhà máy. Thời gian NLĐ tạm ngừng việc vẫn được công ty trả lương bằng mức lương tối thiểu vùng và thường xuyên được Công đoàn công ty chăm lo, hỗ trợ" - ông Hải cho biết.
Ban Chấp hành Công đoàn và Ban Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cũng lên phương án phòng chống dịch rất sớm nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho 1.300 CN. Mỗi ngày, công ty đều bố trí người đo thân nhiệt, khử khuẩn nhà xưởng cũng như cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và TP để CN nắm. Không chỉ chú trọng việc vệ sinh, bảo đảm quy định giãn cách, công ty còn tổ chức diễn tập tình huống khi có CN nhiễm Covid-19; bố trí một phòng họp thành phòng cách ly khi cần thiết. Ban Chấp hành Công đoàn và ban giám đốc đã thương lượng cách thức trả lương trong trường hợp CN là F0, F1 đi cách ly tập trung hoặc F2 cách ly tại nhà trọ. "Các phương án trả lương đều công khai cho CN biết để họ an tâm ngay khi bị cách ly vẫn được hưởng lương mà không giấu giếm tình hình dịch bệnh hoặc có tiếp xúc F0" - bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, thông tin.
Kỳ tới: Sẵn sàng cho mọi tình huống
Hỗ trợ đoàn viên, con đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
LĐLĐ TP HCM vừa có hướng dẫn về việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài các đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 2606/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Phương án số 03/PA-LĐLĐ của LĐLĐ TP, LĐLĐ TP quyết định hỗ trợ thêm đối với con đoàn viên. Cụ thể, trẻ em dưới 16 tuổi là bệnh nhân Covid-19 được hỗ trợ 500.000 đồng/cháu; trẻ em dưới 16 tuổi bị bệnh nan y, là bệnh nhân Covid-19 hoặc thuộc diện cách ly tập trung được hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu; trẻ em dưới 36 tháng tuổi có cha hoặc mẹ là bệnh nhân Covid-19 hoặc diện F1 cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền được hỗ trợ 500.000 đồng/cháu; trẻ em dưới 36 tháng tuổi có cha hoặc mẹ phải thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất tại DN thời gian từ 7 ngày trở lên được hỗ trợ 300.000 đồng/cháu; trẻ em dưới 36 tháng tuổi có cha hoặc mẹ tham gia lực lượng thường trực tuyến đầu chống dịch Covid-19 liên tục, dài ngày theo yêu cầu của TP (ngoại trừ đoàn viên, NLĐ là đối tượng quản lý của Công đoàn Công an, Công đoàn Quốc phòng) được hỗ trợ 500.000 đồng/cháu. Ngoài ra, LĐLĐ TP cũng hỗ trợ 1 triệu đồng/người cho đoàn viên bị bệnh nan y, là bệnh nhân Covid-19 hoặc thuộc diện F1 cách ly tập trung. LĐLĐ TP lưu ý mỗi trường hợp chỉ được hỗ trợ một lần với mức cao nhất. Thời gian hỗ trợ được bắt đầu từ ngày dịch Covid-19 bùng phát đợt 4 (từ ngày 27-4).
. LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM vừa trao 200 phần quà (10 kg gạo/phần) cho giáo viên, đoàn viên các trường mầm non ngoài công lập gặp khó khăn do dịch Covid-19. Toàn bộ số gạo do Ủy ban MTTQ quận hỗ trợ.
. LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM vừa tổ chức thăm hỏi, tặng 30 phần quà (300.000 đồng/phần) cho các gia đình CN gặp khó khăn đang cư ngụ tại các khu vực phong tỏa, cách ly tạm thời do dịch Covid-19 ở xã Bà Điểm.
M.Chi - H.Đào
Bình luận (0)