“Lúc đầu, tôi nghĩ việc tổ chức hội nghị người lao động (NLĐ) rất phiền phức nên cố tình lảng tránh. Thế nhưng, sau nhiều lần phải đối mặt với việc bị nhân viên khiếu nại do hiểu lầm thì tôi rút ra được một bài học. Đó là việc trao đổi thông tin giữa đôi bên vô cùng cần thiết và hội nghị NLĐ chính là giải pháp”. Bà Vũ Thị Ngân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuyên Thái Bình (dịch vụ vệ sinh công nghiệp), đã bày tỏ như vậy tại buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức hội nghị NLĐ trong doanh nghiệp (DN)” do Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ quận Bình Thạnh, TP HCM tổ chức mới đây.
Hóa giải gút mắc
Công ty TNHH Xuyên Thái Bình có gần 1.000 lao động. Doanh thu của DN chủ yếu đến từ NLĐ. Vì vậy, muốn phát triển, DN phải ổn định lực lượng lao động. Tuy nhiên, hầu hết NLĐ đều không coi đây là một nghề nên biến động lao động là khó khăn lớn mà DN phải đối mặt. Có thời điểm, quan hệ lao động tại DN trở nên căng thẳng.
Bà Ngân cho biết trước đây, vì ngại phiền phức nên DN không tổ chức hội nghị NLĐ mà chỉ họp giao ban hằng tuần giữa các quản lý ở công trình. Nội dung trao đổi tuy có nhắc về những chính sách liên quan tới NLĐ nhưng việc thông tin đến họ không thực sự chuẩn xác.
“NLĐ đã nhiều lần hiểu sai rồi khiếu nại. Cụ thể, DN đã điều chỉnh lương tối thiểu nhưng chưa tới kỳ lãnh lương nên NLĐ không tin hoặc không biết rồi gửi đơn khiếu nại khắp nơi dẫn đến rất nhiều vấn đề rắc rối, ban giám đốc cũng rất mệt mỏi. Có năm, NLĐ tổ chức lãn công, DN phải nhờ đến sự giải quyết của các cơ quan chức năng” - bà Ngân kể.
Sau những va vấp ấy, ban giám đốc Công ty TNHH Xuyên Thái Bình hiểu được tầm quan trọng của việc tổ chức hội nghị NLĐ. Với sự tư vấn của LĐLĐ quận Bình Thạnh, DN cùng với CĐ cơ sở lên kế hoạch tổ chức hội nghị NLĐ. Thời điểm tổ chức được ấn định vào quý I hằng năm vì sau Tết, nhiều chính sách mới được áp dụng. Thời gian, địa điểm được thông báo trước 7-10 ngày để NLĐ sắp xếp công việc tham dự. DN cũng mời bên thứ ba là LĐLĐ quận, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham dự để NLĐ thấy được tôn trọng. Bên cạnh đó, DN còn thường xuyên tổ chức đối thoại.
Với sự chỉn chu trong công tác tổ chức, nhiều vướng mắc trước đây trong quan hệ được giải quyết ổn thỏa. Ví dụ, trước đây, trong thời gian chờ giải quyết chế độ BHXH khi ốm đau, NLĐ cho rằng DN nhận tiền mà không chi. Thế nhưng, khi việc này được đem ra “đối chất” giữa hội nghị NLĐ và có đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xác nhận, NLĐ mới hiểu.
“Cơ chế đối thoại tại hội nghị NLĐ không chỉ hóa giải những hiểu lầm giữa hai bên mà còn giúp củng cố niềm tin, xây dựng quan hệ lao động bền vững” - bà Ngân nhận xét.
NLĐ đâu chỉ biết đòi hỏi
Là quản lý có quốc tịch nước ngoài, ông Pang Hang Chung, Giám đốc nhà máy Công ty CP Sản xuất Tân Việt Xuân, cũng nhìn nhận tầm quan trọng của việc tổ chức hội nghị NLĐ.
Tân Việt Xuân có trên 150 NLĐ. Văn phòng công ty đóng tại quận Bình Thạnh nhưng nhà máy sữa lại ở huyện Củ Chi. Nhà máy và văn phòng cách xa nhau nên thông tin nội bộ bị hạn chế. Do vậy, việc tổ chức đối thoại định kỳ và hội nghị NLĐ đã giúp cải thiện thông tin nội bộ được thông suốt; ban giám đốc và tập thể nhân viên cũng hiểu nhau hơn trong việc phối hợp điều hành, quản lý sản xuất và kinh doanh.
Tại Công ty Tân Việt Xuân, quy trình tổ chức hội nghị NLĐ gồm 5 bước được thực hiện khá bài bản, từ khâu lên kế hoạch đến đánh giá kết quả sau khi hoàn thành. “Ngoài vệ sinh an toàn lao động, những vấn đề liên quan đến chính sách tiền lương, đãi ngộ NLĐ là ưu tiên hàng đầu khi đưa ra thảo luận tại hội nghị NLĐ. Sự cởi mở, thẳng thắn trong quá trình đối thoại giúp hai bên xích lại gần nhau hơn và cùng hợp tác để đưa DN đi lên” - ông Pang Hang Chung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim, cũng cho rằng việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại DN chính là nền tảng để ổn định quan hệ lao động lâu dài. Thực tế, ngay từ khi thành lập, cùng với việc hình thành chính sách chăm lo NLĐ căn cơ, ban giám đốc và ban chấp hành CĐ đã chủ động xây dựng, hoàn thiện quy chế dân chủ cơ sở, quy chế đối thoại, quy chế tổ chức hội nghị NLĐ và phổ biến rộng rãi. Với tinh thần thượng tôn pháp luật của ban giám đốc, nhiều năm qua, công ty không hề xảy ra tranh chấp, đời sống NLĐ được cải thiện và nâng cao.
“Chúng tôi không ngại đối thoại với NLĐ bởi đây là dịp để đôi bên ngồi lại với nhau. Điều khiến ban giám đốc hài lòng nhất là qua đối thoại, ý thức trách nhiệm của NLĐ với công việc, nhất là sự phát triển của DN, được nâng dần. Rõ ràng, việc tổ chức hội nghị NLĐ chỉ có lợi cho DN” - ông Tiến khẳng định.
Ông TRƯƠNG QUỐC LÂM, Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh, TP HCM:
Hợp tác, tin cậy lẫn nhau
Lao động Việt Nam rất coi trọng cái tình, họ gắn bó với DN không hẳn vì thu nhập mà còn vì cách DN trân trọng, đối xử tốt với họ. Việc tổ chức hội nghị NLĐ chính là cơ hội để hai phía giải tỏa những vướng mắc và cùng hợp tác với nhau tốt hơn. Mặt khác, DN chỉ có thể phát triển khi nội bộ đồng lòng, mối quan hệ giữa NLĐ và người sử dụng lao động hài hòa, ổn định. Để làm được như vậy, DN phải quan tâm đến đời sống NLĐ, xây dựng môi trường làm việc dân chủ và làm sao để NLĐ thấy được điều đó.
Bình luận (0)