Sau khi trở về trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp (DN) ở tỉnh Bình Dương bắt tay sản xuất kinh doanh nhưng cũng thận trọng hơn khi tình hình dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp.
Sản xuất phải an toàn
Ông Vũ Quốc Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Showa Glove (KCN Việt Nam - Singapore I, TP Thuận An, Bình Dương), cho biết mặc dù đã ổn định sản xuất kinh doanh, song ban giám đốc vẫn rất thận trọng với dịch Covid-19. Do đó, dù đơn hàng khá nhiều nhưng DN mới chỉ kích hoạt lại 30% công suất, với hơn 800 công nhân (CN) đi làm theo phương án "3 xanh".
Đặc biệt, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt hơn lúc trước. Người lao động (NLĐ) trước khi vào nhà máy phải quét mã QR, sau đó bước qua buồng khử khuẩn ở cổng và đo thân nhiệt. Công ty cũng giãn cách giờ ăn, CN ngồi bàn riêng có vách ngăn bằng nhựa và giữ khoảng cách hơn 2 m. Ngoài ra, mỗi tuần DN sẽ tổ chức test nhanh 2 lần.
Dự kiến, ngày 8-11 công ty sẽ đón đủ 100% CN trở lại nhà máy làm việc. Theo ông Huy, để hạn chế lây nhiễm nếu DN xuất hiện ca F0, công ty đã bố trí 2 phòng cách ly riêng dành cho F0 và F1, nằm xa khu sản xuất. Sau đó, liên hệ với y tế gần nhất để có hướng xử lý nhanh và an toàn.
Ông Trần Thành Trọng, Giám đốc Công ty TNHH Sáng Ban Mai (TP Thủ Dầu Một), cho biết công ty đã hoạt động trở lại, 100% NLĐ đã đi làm. Công ty luôn tuyên truyền nhắc nhở, yêu cầu NLĐ phải bảo đảm việc phòng chống Covid-19 để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và giữ được nhà máy sản xuất an toàn để bảo đảm thu nhập. Đối với NLĐ đang ở trọ, công ty cũng bố trí người giám sát, trường hợp nào không tuân thủ quy định phòng dịch sẽ bị nhắc nhở, nếu không chấp hành sẽ không được vào nhà máy làm việc. Ông Trọng đánh giá việc mở cửa, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DN là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Công ty đang nỗ lực hết sức cho những đơn hàng cuối năm. "Thời điểm này, DN mong muốn không chỉ là lợi nhuận mà còn là ổn định đời sống NLĐ, giữ chân được những khách hàng lớn" - ông Trọng bày tỏ.
Công nhân Công ty TNHH Showa Glove đo thân nhiệt ở máy quét tự động
Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Sau khoảng 1 tháng phục hồi sản xuất kinh doanh, các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, nhằm đẩy mạnh sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021. Trong đó, nhiều công ty có tỉ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn. Hầu hết NLĐ làm việc tại các công ty đều đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, cho biết DN có khoảng 2.500 CN, hầu hết đã được tiêm vắc-xin. Đây là yếu tố để bảo đảm an toàn trong sản xuất của DN. Ông Minh cũng đánh giá cao sự linh hoạt của Bình Dương trong việc chuyển hướng, thích ứng an toàn để thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an toàn xã hội trong điều kiện hiện nay. Hiện công ty đang từng bước tái sản xuất theo phương án "3 xanh". "Để giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, y tế tại chỗ là giải pháp DN chú trọng để vừa sản xuất vừa phòng dịch hiệu quả. Ngoài việc kiểm soát NLĐ tại nhà máy, chúng tôi cũng dự phòng tình huống khi có trường hợp F0, bố trí khu vực riêng để cách ly, đồng thời ký hợp đồng với các bệnh viện để điều trị" - ông Minh nói.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết địa phương tạo mọi điều kiện tốt nhất để DN hoạt động trở lại, trường hợp phát hiện có F0, các đơn vị y tế phải kịp thời cử đội phản ứng nhanh đến xử lý. Bên cạnh đó, các huyện, thị trong tỉnh cũng đang triển khai xây dựng các khu "nhà trọ xanh" cũng như biện pháp xử lý các ca F0 nhanh nhất. Cùng với các địa phương, Ban Quản lý các KCN tỉnh và Sở Công Thương tỉnh tiếp tục củng cố các trạm y tế lưu động để hỗ trợ DN trở lại sản xuất an toàn.
Lập trạm y tế lưu động trong KCN
Hiện nay, Bình Dương chuyển từ "không Covid-19" sang "thích ứng an toàn", do đó vai trò của trạm y tế lưu động sẽ tiếp tục phát huy. UBND tỉnh giao các địa phương kiện toàn trạm y tế lưu động theo mật độ dân cư và khu cụm công nghiệp; huy động thêm các y - bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tình nguyện; hợp đồng với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường phục vụ cho trạm y tế lưu động. Song song đó, tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn bổ sung nhân lực cho trạm y tế lưu động. Đến nay, địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động hơn 20 trạm. Dự kiến thời gian tới, Bình Dương sẽ có 140 trạm y tế lưu động tại các khu, cụm công nghiệp nhằm đưa y tế đến gần với DN và CNLĐ trong bối cảnh "sống cùng với dịch bệnh".
Bình luận (0)