Hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, anh Nguyễn Thanh Duy (quê Quảng Ngãi, hướng dẫn viên (HDV) du lịch và vợ là chị Huỳnh Thị Thùy Dung (quê Đà Nẵng,) phải xoay đủ nghề để sống. Chị Dung là điều hành tour thị trường khách Hàn Quốc. Từ khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng, khách quốc tế "đóng băng", chị chuyển sang phục vụ khách nội địa nhưng chưa được bao lâu thì tiếp tục rơi vào cảnh thất nghiệp. "Hai vợ chồng cùng mất việc nên cuộc sống 2 năm qua bộn bề khó khăn. Tuy thành phố đang có lộ trình mở cửa đón khách du lịch nhưng vợ chồng tôi vẫn chưa hết lo" - chị Dung nói.
Vất vả mưu sinh
Tương tự, do mất việc nên anh Lương Quý Châu, HDV tiếng Anh, tạm thời phải đi ship trái cây để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Hầu hết HDV như anh Châu đang phải xoay xở tìm việc trong lúc dịch bệnh phức tạp và hoạt động du lịch "đóng băng". May mắn, anh Châu được tiếp cận gói vay vốn lãi suất ưu đãi dành cho HDV du lịch. Gói vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi được ví như "phao cứu sinh" giúp gia đình anh cầm cự qua đợt dịch.
Từ ngày 20-10, một số điểm du lịch tại Đà Nẵng được phép mở cửa. Ngày đầu đi làm trở lại tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, anh Châu mừng "rơi nước mắt". "Dù ế ẩm, cả ngày chỉ có một đoàn khách nhưng ai cũng hy vọng du lịch sẽ trở lại khi độ phủ vắc-xin được nâng cao hơn. Giờ là lúc tăng tốc để bù lại khoảng thời gian nghỉ dịch quá lâu" - anh Châu phấn khởi. Theo thống kê, dịch bệnh khiến 90% doanh nghiệp (DN) du lịch tại Đà Nẵng tạm dừng hoạt động, hơn 42.000 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp đã và đang thất nghiệp. Hiện các DN chủ yếu là DN du lịch tại Đà Nẵng đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 4.000 lao động mới để đáp ứng các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là sự thiếu hụt lao động sau khi gần 20.000 lao động rời thành phố về quê trốn dịch, hiện còn mắc kẹt, chưa thể đến thành phố làm việc.
Một lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho người lao động ngành du lịch do LĐLĐ Đà Nẵng tổ chức
Trợ vốn, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động
Ngành Du lịch Đà Nẵng xác định khôi phục theo phương châm chủ động thích ứng, linh hoạt để đạt hiệu quả, đồng thời phải bảo đảm an toàn cho khách du lịch, cho cộng đồng và cho nhân viên phục vụ du lịch. Sở Du lịch đã đề xuất UBND thành phố phương án đón khách du lịch nội địa cũng như đề xuất xin chủ trương Chính phủ cho phép Đà Nẵng được thí điểm đón khách quốc tế.
Những ngày vừa qua, một số khu, điểm du lịch lớn như Bà Nà Hills, Bảo tàng Đà Nẵng, núi Thần Tài, danh thắng Ngũ Hành Sơn... đang sửa sang, chuẩn bị các phương án, sẵn sàng phục vụ du khách. Cán bộ, công nhân viên tại các điểm du lịch đã trở lại, tập trung phòng chống dịch, giữ an toàn cho điểm đến. Cạnh đó, để hỗ trợ người lao động (NLĐ), UBND TP Đà Nẵng đã tung gói "phao cứu sinh" để hàng ngàn HDV được vay vốn, vượt qua đại dịch và giữ nguồn nhân lực khôi phục lại ngành du lịch sau khi dịch được kiểm soát. Lao động ngành du lịch được vay từ 40 đến 100 triệu đồng, thời hạn vay tối đa 10 năm để duy trì cuộc sống và tự tạo việc làm. Qua rà soát, hơn 1.000 lao động du lịch trên địa bàn có nhu cầu vay vốn, giá trị gói vay dự kiến gần 65 tỉ đồng. Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng, nhận định với mức vay tín chấp lãi suất ưu đãi, các HDV và NLĐ sẽ duy trì cuộc sống, giữ chân được nguồn lực du lịch, từ đó giảm thiểu tình trạng thiếu nhân lực sau dịch bệnh. "Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã lắng nghe tiếng nói của NLĐ ngành du lịch. Chính sách hỗ trợ vốn này rất kịp thời, giúp NLĐ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này" - ông Văn Anh cho hay. Tiếp sức NLĐ, Hội HDV du lịch TP Đà Nẵng đã mở các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nhằm hỗ trợ HDV thích nghi với trạng thái "bình thường mới". Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức 30 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho hơn 2.000 học viên trong ngành du lịch.
Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Trong quý III /2021, Ngân hàng Chính sách xã hội TP Đà Nẵng đã cho vay kịp thời, không để tồn đọng vốn; đồng thời tăng chỉ tiêu kế hoạch cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 102,7 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách UBND TP ủy thác và nguồn bổ sung từ tiền lãi phân bổ không sử dụng hết năm 2020. Sắp tới, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tiếp tục tăng cường giải ngân cho một số DN vay vốn trả lương ngừng việc cho NLĐ, vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Hiện nay, ngân hàng đang tiếp tục hướng dẫn 16 đơn vị sử dụng lao động với 3.515 lao động, số tiền dự kiến cho vay gần 14 tỉ đồng.
Bình luận (0)