Trong nhiều vụ việc, dù chứng cứ ban đầu của người lao động (NLĐ) chưa đầy đủ nhưng bằng nỗ lực và sự kiên trì, LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM đã khởi kiện thành công, đòi lại quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Khó cỡ nào cũng nhận
"Năm đó, khi chồng tôi mất vì tai nạn lao động (TNLĐ), công ty chủ động lo chi phí tang ma và hỗ trợ thêm một khoản tiền. Tôi thấy vậy cứ nghĩ là đủ rồi nên mới đồng ý ký giấy bãi nại. Tới khi được mấy anh bên LĐLĐ huyện Bình Chánh tư vấn, tôi mới vỡ lẽ ra trường hợp của chồng tôi phải được bồi thường một khoản lớn hơn rất nhiều. Biết vậy nhưng mình là NLĐ bình thường, hiểu luật không bao nhiêu nên không biết đường nào để khởi kiện. Không ngờ các anh ấy nhận ủy quyền khởi kiện giùm tôi luôn" - chị Huỳnh Thị Hồng Diệu, ngụ ở Long An, kể.
Đại diện LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM trao Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên khó khăn
Nhớ lại vụ kiện này, ông Nguyễn Hữu Trí, cán bộ LĐLĐ huyện Bình Chánh, cho biết đây là vụ kiện kéo dài từ năm 2013 đến 2015. NLĐ làm việc liên tục lâu năm nhưng ban đầu công ty không thừa nhận, thậm chí còn cho rằng NLĐ chỉ làm việc công nhật, do vậy mức bồi thường như thế đã là quá đủ. Hợp đồng lao động miệng, giấy tờ hầu như không có, thậm chí người bà con họ hàng cùng làm chung với nạn nhân trong cùng ca hôm đó, bế nạn nhân trên tay khi tai nạn cũng không dám đứng ra làm chứng vì ngại mất việc. Ngay cả khi cán bộ LĐLĐ huyện động viên, hứa sẽ giới thiệu cho một chỗ làm mới tốt hơn, người này cũng lắc đầu từ chối. "Đến khi người vợ quay về lục lọi trong đống đồ cũ thì bất ngờ tìm được mấy phiếu lương, chứng minh anh chồng làm việc liên tục tại doanh nghiệp (DN) thì lúc này công ty đuối lý. Thế nhưng, công ty tiếp tục thoái thác trách nhiệm đền bù khi cho rằng người nhà nạn nhân đã đồng ý bãi nại. Tuy nhiên, chứng cứ cho thấy biên bản kết luận tai nạn lao động của cơ quan chức năng có sau ngày ký giấy bãi nại. Rõ ràng, công ty lợi dụng NLĐ thiếu hiểu biết nên đã chủ động thương lượng trước để né tránh trách nhiệm" - ông Trí cho biết.
Kết quả, phiên sơ thẩm, NLĐ thắng kiện. Ở phiên phúc thẩm, bằng những lý lẽ vững chắc, LĐLĐ huyện Bình Chánh tiếp tục chỉ ra trách nhiệm của công ty và kết quả là tòa bác kháng cáo, buộc công ty phải đền bù gần 200 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Mạnh dạn đòi nợ kinh phí Công đoàn
Trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, các cán bộ LĐLĐ huyện Bình Chánh đã nhận ủy quyền khởi kiện, đòi quyền lợi thành công cho 13 trường hợp NLĐ thiệt thòi như vậy với đủ các tình huống từ đòi trả sổ BHXH, trợ cấp thôi việc, đến tiền lương, chế độ TNLĐ. Nhiều trường hợp ra tới thủ tục hòa giải tại tòa án, phân tích lý lẽ chắc chắn là DN đã biết sai và khắc phục. Nhưng khó nhất vẫn là các trường hợp TNLĐ, khi mức bồi thường cao và phần đông NLĐ thiếu hiểu biết, lại không có hợp đồng lao động.
Một vụ việc khác bị TNLĐ cụt 4 ngón tay, chủ DN cũng không thừa nhận vì NLĐ không có hợp đồng. Phối hợp kiểm tra cùng với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, LĐLĐ huyện phát hiện một mẩu giấy nhỏ nhưng rất quan trọng có ghi tên và tiền lương của nạn nhân. "Hơn nữa, nội quy lao động công ty có ghi nếu không phải là công nhân (CN) công ty thì không được vào khu vực sản xuất, vậy nếu không phải là CN thì tại sao nạn nhân lại vào được khu vực sản xuất và bị mất 4 ngón tay? Tại phiên tòa sơ thẩm, trước chứng cứ và lập luận chắc chắn của LĐLĐ huyện, tòa xử NLĐ thắng kiện và công ty phải bồi thường trên 35 triệu đồng" - ông Trí nhớ lại.
Sau TNLĐ, dù có được đền bù, NLĐ vẫn gặp khó khăn khi tìm việc mới. Trường hợp anh Nguyễn Văn Vương vừa tốt nghiệp ra trường ngành điện công nghiệp. Lúc chờ xin việc, mới xin vào làm tạm cho một nhà máy thép, chưa tròn tháng thì tai nạn xảy ra cũng đứt mất 4 ngón tay. "Một mặt đứng ra thương lượng với DN cho em một khoản bồi thường thỏa đáng, mấy anh bên LĐLĐ huyện còn nhận em vào làm việc luôn tại cơ quan LĐLĐ, đến nay cũng hơn một năm, đỡ một phần khó khăn" - Vương cho biết.
Không những khởi kiện đòi quyền lợi cho NLĐ, dấu ấn khác của LĐLĐ huyện trong nhiệm kỳ qua là việc mạnh dạn khởi kiện các DN nợ kinh phí Công đoàn (CĐ). "Đến nay, chúng tôi đã chính thức khởi kiện 3 DN nợ kinh phí theo Luật CĐ. Sau hòa giải, 1 DN đã trích nộp đầy đủ, 2 DN trích nộp trước 50% và cam kết lộ trình trích nộp đầy đủ. Trong số 9 DN chúng tôi đang tiến hành khởi kiện, đã có 1 DN đồng ý trích nộp đủ" - ông Nguyễn Văn Chí, Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM - cho biết.
Giới thiệu việc làm cho 1.000 công nhân mất việc
Trong nhiệm kỳ 2013-2018, các cấp CĐ huyện Bình Chánh đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực chăm lo NLĐ như: xây dựng quỹ tương trợ nội bộ, học bổng Nguyễn Đức Cảnh, cải thiện nhà ở, "Mái ấm CĐ", "Trái tim nghĩa tình", "Tấm vé nghĩa tình"; vận động người sử dụng lao động nâng chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, chăm lo Tết nguyên đán, chăm lo CN bị tai nạn lao động, bệnh tật, trao sổ tiết kiệm cho NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 30,5 tỉ đồng.
Ngoài vận động chủ nhà trọ không tăng giá thuê trọ, cải tạo môi trường nơi ở, thu tiền điện nước sinh hoạt đúng giá quy định, LĐLĐ huyện còn giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 NLĐ bị mất việc do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn.
Bình luận (0)