Ngày 1-7, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị lần thứ 21 (khóa XII) theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 4 điểm cầu, bàn về 19 nội dung. Ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì hội nghị.
Hàng triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch
Dự thảo báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn 6 tháng đầu năm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ ba đã làm hơn 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, trong đó, lao động thuộc khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng lớn nhất, chiếm 20,4%; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 1,1 triệu. Đợt dịch lần thứ 4 cũng làm hàng trăm ngàn lao động tạm ngừng việc; một số khu vực bị phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất - kinh doanh không thiết yếu, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam (phải), phát biểu tại hội nghị trực tuyến
Trong bối cảnh khó khăn nhưng các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) của tổ chức Công đoàn vẫn đạt nhiều kết quả. Trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 5 triệu đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn hỗ trợ; hơn 1,3 triệu lượt đoàn viên được thụ hưởng từ chương trình phúc lợi; xây mới và sửa chữa 1.735 Mái ấm Công đoàn với số tiền hàng ngàn tỉ đồng. Các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ cho hơn 290.000 đoàn viên và NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam với tổng số tiền gần 140 tỉ đồng. Có trên 4,9 triệu đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng các hoạt động chăm lo Tết (tăng gần 1 triệu người so với năm 2020) với tổng nguồn kinh phí hỗ trợ, tổ chức các hoạt động chăm lo khoảng 6.636 tỉ đồng (tăng gần 28% so với năm 2020).
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, trước diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ 4, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội nghị trực tuyến với 27 LĐLĐ tỉnh, thành phố có đông công nhân, lao động, nhiều KCN, cùng Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam để nắm tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thăm, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 và đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh 8,5 tỉ đồng. Cùng với đó, thông qua chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đến ngày 31-12-2021 đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Song song với việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chủ động báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm hỗ trợ đoàn viên, người NLĐ bị ảnh hưởng bởi đợt dịch này; chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục tập trung cao độ, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi thăm, động viên và trao hỗ trợ tới công nhân - lao động tại một số địa phương vùng tâm dịch, một số đơn vị tuyến đầu chống dịch... với tổng kinh phí hàng chục tỉ đồng.
Khó hoàn thành chỉ tiêu 12 triệu đoàn viên
Trình bày về tờ trình về dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho biết Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra chỉ tiêu "Đến năm 2023, kết nạp 2 triệu đoàn viên". Kết quả, đến nay các cấp Công đoàn đã kết nạp 2.293.126 đoàn viên, vượt chỉ tiêu trước 2 năm. Tuy nhiên, trên thực tế, tính đến hết năm 2020, số đoàn viên Công đoàn cả nước là 10.350.024, thực tăng 298.972 đoàn viên so với thời điểm đầu nhiệm kỳ. Mặt khác, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu: "Đến năm 2023, phấn đấu có 12 triệu đoàn viên".
Ông Trần Thanh Hải cho biết Thường trực Đoàn Chủ tịch đề xuất Đoàn Chủ tịch trình Ban Chấp hành về chỉ tiêu phát triển đoàn viên trong nửa nhiệm kỳ còn lại là: "Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, phấn đấu đến năm 2023 có 12 triệu đoàn viên Công đoàn". Về nội dung này, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng để đạt được mục tiêu về phát triển đoàn viên trong Nghị quyết 02-NQ-TW của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn rất nặng nề: chỉ còn 1 năm rưỡi để đạt được mục tiêu phát triển thêm 1,6 triệu đoàn viên Công đoàn.
Ông Trần Quang Huy, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, phân tích: Đạt đến 12 triệu đoàn viên đến năm 2023 trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến doanh nghiệp là rất khó khăn. Để đạt mục tiêu, công tác phát triển đoàn viên ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn có vai trò rất quan trọng. Còn ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng mục tiêu phát triển 12 triệu đoàn viên khá khó khăn. Dưới tác động của dịch Covid-19, một ngày có hàng ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động; trong khi khối hành chính sự nghiệp đang thực hiện tinh giản biên chế. Trong bối cảnh như vậy, cần có chương trình cụ thể để thực hiện mục tiêu trên.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, nêu thực tế tại địa phương: Đến năm 2020, LĐLĐ TP đã hoàn thành chỉ tiêu phát triển đoàn viên mới nhưng con số đoàn viên ra khỏi hệ thống và xóa tên khỏi Công đoàn cơ sở là tương đương. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Bà Diệu Thúy đề xuất Công đoàn cần nắm bắt thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội về số việc làm được tạo ra, từ đó tính được số lao động chính thức, có giao kết hợp đồng để làm cơ sở đánh giá được thực chất kết quả thực hiện.
Bình luận (0)