.Phóng viên: Sau 13 lần tổ chức, Tháng Công nhân (CN) đã trở thành Tháng hành động vì đoàn viên và người lao động (NLĐ). TP HCM là địa phương khởi xướng Tháng CN, điều gì khiến bà tâm đắc?
Bà Trần Thị Diệu Thúy. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
- Bà TRẦN THỊ DIỆU THÚY: Tháng CN xuất phát từ ý tưởng của LĐLĐ TP HCM, được khởi động vào năm 2009, đến nay đã trải qua 13 năm. Với sức lan tỏa mạnh mẽ, chỉ sau 3 lần tổ chức, từ đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng CN trên cả nước. Từ đó đến nay, Tháng CN đã trở thành sự kiện quan trọng, được khẳng định bằng những chương trình hoạt động ngày càng thiết thực hướng đến lợi ích của đoàn viên - lao động.
Điều tôi tâm đắc nhất, dù Tháng CN là ý tưởng xuất phát dựa trên nhu cầu thực tế của một địa phương nhưng đã không dừng lại tại nơi khởi phát. Thông qua những chương trình hoạt động sát hợp, luôn được điều chỉnh và bổ sung, Tháng CN đã huy động được sự chung sức của toàn xã hội nhằm chăm lo tốt hơn đời sống NLĐ. Bản thân NLĐ cũng tự hào khi được tham gia các hoạt động Tháng CN. Họ đã có nhiều sáng kiến tham gia phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo, góp phần xây dựng đơn vị, doanh nghiệp (DN) nói riêng và địa phương, đất nước nói chung. "Chương trình 75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" - nội dung đặc biệt trong Tháng CN năm nay - là điển hình. Dù phát động chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng đội ngũ CNVC-LĐ cả nước đã đóng góp hơn 25.600 sáng kiến. Điều đó khẳng định sức lan tỏa của một phong trào hay do tổ chức Công đoàn phát động.
.Chương trình "Cảm ơn NLĐ" cũng là một trong những điểm mới của Tháng CN 2021. Bà có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của chương trình này?
- Một đơn vị, một DN muốn phát triển thì phải có sự đồng lòng, góp sức của NLĐ, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Có thể khẳng định rằng kết quả quá trình lao động của từng cá nhân, từng tổ chức, từng đơn vị tạo ra những giá trị rất lớn cho xã hội. Tinh thần dấn thân sáng tạo trong lao động của đội ngũ CNVC-LĐ không chỉ hỗ trợ DN phát triển ổn định mà còn đóng góp vào thành quả chung của TP HCM và cả nước. Những giá trị ấy khó có thể đong đếm hết được.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, thăm hỏi gia đình công nhân khó khăn tại quận Tân Phú .Ảnh: CAO HƯỜNG
Do đó, việc triển khai thực hiện chương trình "Cảm ơn NLĐ" không ngoài mục tiêu thể hiện sự trân trọng không chỉ của tổ chức Công đoàn, của người sử dụng lao động mà còn của cả xã hội đối với sự đóng góp của NLĐ. Thông qua đề xuất của tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động đã tổ chức các hoạt động tri ân những đóng góp của NLĐ. Tùy vào tình hình thực tiễn tại DN, mỗi Công đoàn cơ sở sẽ xây dựng kế hoạch và đề xuất với người sử dụng lao động lựa chọn các hình thức, hoạt động phù hợp để "Cảm ơn NLĐ" đã gắn bó, đồng hành với đơn vị, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ổn định sản xuất thời gian qua. Đó là thông điệp cảm ơn cùng phần thưởng có giá trị vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ có nhiều sáng kiến hay các hoạt động chăm lo thiết thực đến đời sống của NLĐ, các chương trình kết nối yêu thương...
.Tháng CN lần thứ 13 năm nay gắn liền với Tháng hành động vì an toàn, vệ sinh lao động. Theo bà, để cải thiện điều kiện làm việc và sức khỏe NLĐ thì tổ chức Công đoàn cần làm gì?
- Bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn là trách nhiệm của DN. Tuy nhiên, với chức năng của mình và vì an toàn, sức khỏe của NLĐ, tổ chức Công đoàn đã chủ động tham gia công tác này. Trước hết là làm tốt công tác tham mưu cho DN về các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, đánh giá các rủi ro, bổ sung trang thiết bị bảo hộ lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Công đoàn cơ sở phải thương lượng, đưa các nội dung bảo đảm an toàn lao động vào thỏa ước lao động tập thể và thực hiện tốt công tác giám sát, trong đó có giám sát bằng kỹ thuật. Bên cạnh đó là việc tổ chức các chương trình, hoạt động tạo môi trường làm việc thân thiện, giảm căng thẳng cho NLĐ, như tạo mảng xanh, tổ chức thể dục giữa giờ...
LĐLĐ TP HCM vừa hợp tác với Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp tổ chức chương trình khám sức khỏe, tầm soát và chữa trị bệnh cho đoàn viên với giá ưu đãi, nhất là các ngành, lĩnh vực lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao. Thông qua việc khám tầm soát, nếu phát hiện đoàn viên, NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp, đề nghị giám định để được hưởng các chế độ theo quy định.
Trước mắt, trong năm 2021, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp thí điểm tổ chức khám tầm soát các loại bệnh nghề nghiệp cho 27.200 NLĐ, nếu có bệnh nghề nghiệp sẽ đưa vào chương trình điều trị phục hồi; chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên Công đoàn bị tai nạn lao động tại nhà nghỉ khách sạn Công đoàn Thanh Đa (đơn vị trực thuộc LĐLĐ TP HCM).
.Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến việc làm và thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng. Tổ chức Công đoàn TP HCM đã có giải pháp gì để hỗ trợ NLĐ?
- Dịch bệnh kéo dài suốt hơn 1 năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống NLĐ. Hiểu được khó khăn của NLĐ, nhất là họ bị mất việc, giảm thu nhập, ngay từ khi dịch bùng phát, tổ chức Công đoàn TP đã nhanh chóng vào cuộc với hàng loạt hoạt động vừa hợp sức cùng DN ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh vừa hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh.
Trong đó, phải kể đến việc LĐLĐ TP HCM triển khai Kế hoạch số 08 hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc hỗ trợ được chia làm 2 giai đoạn và diễn ra trong suốt năm 2020, đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 20.000 đoàn viên với số tiền trên 24 tỉ đồng. Bám sát tình hình, các Công đoàn cấp trên và cơ sở cũng triển khai các hoạt động chăm lo cho 638.495 đoàn viên, CNVC-LĐ bị giảm giờ làm, giảm thu nhập với các hoạt động tặng quà, nhu yếu phẩm, trang thiết bị phòng chống dịch...
Dịp Tết nguyên đán 2021 và Tháng CN lần thứ 13, các cấp Công đoàn cũng đã dồn sức chăm lo, hỗ trợ nhóm đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Cùng với đó, tổ chức Công đoàn cũng đẩy mạnh chương trình "Phúc lợi dành cho đoàn viên", phối hợp với các đoàn thể vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng cho NLĐ đang ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, qua đó đã hỗ trợ thiết thực cho hàng chục ngàn CN.
.Chăm lo, bảo vệ NLĐ một cách căn cơ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN là mục tiêu của Tháng CN. Là người đứng đầu tổ chức Công đoàn TP HCM, theo bà, trong xu thế hội nhập nói chung, tổ chức đại diện cho NLĐ cần ưu tiên thực hiện vấn đề nào?
- Là tổ chức đại diện cho NLĐ, ưu tiên hàng đầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam là phải thực hiện chức năng bảo vệ, đại diện quyền lợi NLĐ. Trong giai đoạn hiện nay, chức năng này được thể hiện rõ qua các hoạt động hỗ trợ về pháp lý, đại diện NLĐ khởi kiện ra tòa đối với các hành vi nợ lương, nợ BHXH... Bên cạnh đó, Công đoàn phải tham gia hiệu quả trong công tác giám sát thực hiện pháp luật lao động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của NLĐ.
Hoạt động Công đoàn phải gần gũi với đời sống NLĐ, có như vậy mới phát hiện các vấn đề phát sinh, từ đó có chính sách chăm lo, bảo vệ phù hợp. Không dừng lại ở việc hỗ trợ về vật chất, tổ chức Công đoàn phải tạo điều kiện cho NLĐ học tập, thi đua với nhau trong sản xuất, từ đó phát hiện và đào tạo các nhân tố điển hình, giới thiệu họ đi học nâng cao trình độ để quay trở lại tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho đơn vị. Đặc biệt, Công đoàn phải biết cách hài hòa lợi ích DN và NLĐ; vừa đấu tranh, bảo vệ quyền lợi NLĐ vừa vận động họ nâng cao năng suất lao động, tay nghề để đóng góp hiệu quả hơn trong quá trình phát triển của DN.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-5
Bình luận (0)