Chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai trong Tháng Công nhân (CN) năm 2021 có ý nghĩa to lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch Covid-19. "Thời gian qua, những công trình, sáng kiến cải tiến hữu ích do bàn tay và khối óc của người lao động (NLĐ) thực hiện không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn có ý nghĩa phục vụ cộng đồng" - ông Trần Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm An Thiên (quận 8, TP HCM), khẳng định tại buổi ký kết ghi nhớ chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" với ban chấp hành Công đoàn (CĐ) cơ sở.
Trân trọng từng sáng kiến
Một trong những nội dung quan trọng trong bản ký kết là ban giám đốc cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NLĐ phát huy niềm đam mê sáng tạo. Công ty sẽ thưởng 5% tổng giá trị làm lợi nếu sáng kiến được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh.
Theo ông Trần Ngọc Dũng, DN muốn tồn tại, phát triển ổn định thì ngoài tiếp cận công nghệ hiện đại còn phải biết chủ động nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm chất lượng. Để làm được điều đó thì sự sáng tạo của NLĐ đóng vai trò hết sức quan trọng. Từ suy nghĩ ấy, trong những năm qua, phong trào phát huy sáng kiến liên tục được ban giám đốc và CĐ cơ sở phát động. Một trong những sáng kiến khiến lãnh đạo công ty tâm đắc nhất là "Cải tiến quy trình sản xuất thuốc tiêm đông khô" của kỹ sư trẻ Nguyễn Trường Đoàn Trung (Phòng Nghiên cứu và phát triển). Sáng kiến này của anh Trung không chỉ giúp rút ngắn thời gian sản xuất từ 20%-30% mà còn tiết kiệm năng lượng và nhân công. Tổng giá trị làm lợi mỗi năm trên 1 tỉ đồng. Công ty hiện có hơn 500 lao động, trong đó chủ yếu là lao động đã qua đào tạo. Do đang áp dụng nhiều công nghệ kỹ thuật cao trong sản xuất nên thời gian qua, ban giám đốc đã đầu tư một khoản chi phí không nhỏ để cử cán bộ, nhân viên ra nước ngoài học tập vận hành quy trình sản xuất mới. Thường xuyên được nâng cao kiến thức, đặc biệt là tiếp cận thiết bị hiện đại nên trình độ tay nghề và năng suất lao động của NLĐ được cải thiện rõ rệt.
Tại lễ ký kết thực hiện chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển", Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 8 (TP HCM) cam kết sẽ thưởng 10% giá trị làm lợi đối với những sáng kiến được công nhận. Theo bà Lý Thị Ngọc Hoa, phó giám đốc công ty, ngành dịch vụ công ích có đặc thù riêng, chủ yếu sử dụng sức người, vì vậy việc xây dựng giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động và bảo đảm sức khỏe cho NLĐ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hằng năm, CĐ cơ sở đều phát động nhiều đợt thi đua để động viên, khuyến khích NLĐ tích cực lao động sáng tạo. Qua đó, nhiều giải pháp sáng kiến có giá trị đã ra đời, tiêu biểu như ý tưởng cải tiến gàu xúc của xe ép rác đã giúp tăng năng suất ép rác.
Người lao động tại Công ty TNHH Nhôm định hình Sapa Bến Thành luôn được tạo điều kiện để phát huy năng lực sáng tạo. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Nâng cao vị thế doanh nghiệp
Là DN chỉ có 210 lao động nhưng mỗi năm Công ty TNHH Nhôm định hình Sapa Bến Thành (Tổng Công ty Bến Thành; đóng tại KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM) có đến vài chục sáng kiến.
Ông Trần Văn Việt, giám đốc sản xuất của công ty, cho biết xác định sáng tạo là yếu tố để DN tồn tại, phát triển và cạnh tranh, không chỉ hỗ trợ 100% kinh phí để NLĐ thực hiện sáng kiến, ban giám đốc còn có chính sách khen thưởng xứng đáng. Với mỗi sáng kiến có giá trị làm lợi, DN sẽ trích 50% lợi nhuận thưởng cho bộ phận thực hiện. Với chính sách này, trong năm 2020, tập thể lao động công ty đã thực hiện 7 sáng kiến có giá trị, tiết kiệm cho DN hơn 20 tỉ đồng. Trong đó, điển hình là sáng kiến chế tạo "Máy rửa pillet" do bộ phận bảo trì kết hợp bộ phận ép và khuôn thực hiện. Anh Nguyễn Quốc Văn, Trưởng Bộ phận Ép và khuôn, cho biết trong quá trình ép, do phôi bị bẩn nên chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu. Để hạn chế phế phẩm, trước khi ép, CN buộc phải xịt rửa phôi và khuôn theo phương pháp thủ công. Cách làm này mất khá nhiều thời gian nhưng phôi, khuôn vẫn không sạch. Trăn trở trước điều này, đội ngũ kỹ sư và CN của 2 bộ phận đã bắt tay chế tạo "Máy rửa pillet". Sau 4 tháng nghiên cứu, thực hiện và chạy thử, máy vận hành khá tốt, giảm đến 50% phế phẩm so với trước đây. Sáng kiến này tiết kiệm cho DN hơn 1 tỉ đồng/năm. "Sáng kiến càng hữu ích thì chất lượng sản phẩm được cải thiện, từ đó giúp DN nâng cao sức cạnh tranh và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi DN càng phát triển thì việc làm và đời sống NLĐ sẽ được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao" - ông Việt chia sẻ.
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:
Tập hợp trí tuệ người lao động
Chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển" là một trong 4 chương trình trọng tâm trong Tháng CN năm 2021 do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai.
Chương trình nhằm tập hợp trí tuệ, đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của đoàn viên đối với sự phát triển bền vững của DN, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Vì những ý nghĩa ấy mà mỗi sáng kiến của NLĐ tham gia chương trình đều vô cùng đáng quý. Do đó, LĐLĐ TP lưu ý các cấp CĐ tích cực triển khai chương trình này đến tất cả CĐ cơ sở, mỗi CĐ cơ sở phải chủ động cùng với DN tạo môi trường thuận lợi nhất để NLĐ phát huy óc sáng tạo, đồng thời hỗ trợ họ trong suốt quá trình thực hiện sáng kiến. Với những lao động có sáng kiến cải tiến cụ thể được áp dụng, CĐ cơ sở phải tham mưu đề xuất DN khen thưởng xứng đáng. Có như vậy mới tạo động lực để đoàn viên nỗ lực cống hiến cho DN.
(*) Xem Báo Người Lao động từ số ra ngày 26-3
Kỳ tới: Đồng hành cùng doanh nghiệp
Bình luận (0)