Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn loay hoay với bài toán cho người lao động (NLĐ) trở lại làm việc hay cắt giảm, NLĐ cũng đang lo lắng về vị trí công việc của mình có được bảo đảm hay không thì các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, việc làm cho rằng thị trường lao động sẽ sớm tăng trưởng trở lại.
Đào tạo kỹ năng cho NLĐ
Đến nay, đa số các đều đã có các quyết sách tạm thời để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia nhân sự, chiến lược nhân sự tại các công ty giai đoạn này là tập trung vào các mục tiêu chính: Bảo đảm an toàn sức khỏe và công việc cho NLĐ; ưu tiên phát triển về nội lực cho DN thông qua quá trình đào tạo.
Bà Trần Thùy Chi, giám đốc nhân sự cấp cao của một DN sản xuất và phân phối thiết bị điện tử, cho biết DN đang triển khai 4 chiến lược chính. Đó là xem xét cắt giảm chi phí lao động không cần thiết, tái cấu trúc DN, củng cố khả năng lãnh đạo trong nội bộ và tăng cường đào tạo cho NLĐ trên nền tảng trực tuyến.
Ổn định việc làm khi dịch Covid-19 chưa chấm dứt là mong muốn của người lao động. Ảnh: AN CHI
"Việc tập trung trau dồi các kỹ năng quản trị khủng hoảng và con người cho cấp quản lý là tối quan trọng. Bên cạnh đó, DN có thể tận dụng cơ hội này để bồi dưỡng, đào tạo đa kỹ năng cho NLĐ, giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên sau khi bước qua khủng hoảng" - bà Chi nói.
Theo luật sư Trần Ngọc Thích, Trưởng Phòng Pháp lý Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet), trong trường hợp NLĐ phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì lương ngừng việc sẽ được thỏa thuận giữa họ và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Bên cạnh đó, DN vẫn có thể áp dụng những biện pháp khác, như thỏa thuận với NLĐ nghỉ không lương, giảm lương, áp dụng 1 tuần làm 1 tuần nghỉ để DN có thể tồn tại trong thời gian khó khăn. Tuy nhiên, về mặt nhân sự, công ty cũng nên lưu ý cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ để tránh ảnh hưởng đến sản xuất sau dịch.
Nếu DN buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc dù đã tìm mọi biện pháp khắc phục, luật cũng cho phép người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định. Tất nhiên, DN phải bảo đảm mọi chế độ mà NLĐ được hưởng một khi có biến động lao động. Thực tế cho thấy nhiều DN đã chuyển NLĐ qua làm những công việc khác để phù hợp với tình hình mới.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho rằng dịch Covid-19 tác động trong những khoảng thời gian nhất định và ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định chứ không phải toàn bộ thị trường lao động. Vì vậy, vẫn có thể lạc quan về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong thời gian không xa.
Bà Mai phân tích: Bên cạnh một số ngành nghề giảm tuyển dụng do dịch Covid-19, một số ngành nghề khác lại có nhu cầu tuyển dụng tăng. Chẳng hạn, dịch bệnh khiến người dân tăng cường mua sắm trực tuyến nên các DN đẩy mạnh phát triển các nền tảng mua sắm online, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến phát triển thương mại điện tử tăng.
"NLĐ nên tận dụng thời gian thấp điểm trong công việc để phát triển và nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhất là thông qua học tập trực tuyến. Lao động mất việc có thể chủ động tìm kiếm công việc mới thông qua website tuyển dụng trực tuyến, các ứng dụng tìm việc kết nối gần..." - bà Mai nhìn nhận.
Bà Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP freelancerViet, khẳng định cơ hội cho NLĐ sau dịch sẽ tăng mạnh. Bà Khanh cho rằng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các gói hỗ trợ đang được triển khai thực hiện nhanh, DN sẽ sớm ổn định và đó là cơ hội chào đón NLĐ quay trở lại công việc.
Theo bà Khanh, làn sóng tuyển dụng và tìm việc đang tăng nhanh trên các ứng dụng online. Điều đó cho thấy thị trường lao động đã quay trở lại.
"Nhiều DN đã sử dụng gói hỗ trợ của freelancerViet để tuyển dụng. Đó cũng là đóng góp nhỏ của chúng tôi cho NLĐ và DN để sớm vực dậy thị trường lao động, việc làm, giúp hàng ngàn NLĐ sớm ổn định cuộc sống" - bà Khanh bày tỏ.
Ông Kazuki Kunimoto, Giám đốc điều hành FreeC (nền tảng tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ), cho rằng dịch bệnh mang đến thách thức lớn song cũng là cơ hội cho cả DN tuyển dụng lẫn ứng viên tìm việc. Dịch Covid-19 chính là liều thuốc cao độ để các DN kiểm tra năng lực nhân viên, chọn lọc người giỏi. Sau khi dịch qua đi sẽ là lúc các DN tìm cách phục hồi mạnh mẽ và thị trường sẽ chứng kiến cuộc tuyển dụng số lượng lớn chưa từng có.
"Thị trường công nghệ thông tin thiếu hụt 70.000 - 90.000 nhân sự mỗi năm, hiện tại lại càng "khát" lao động hơn sau khi nhiều chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc và các công ty gia công phần mềm gia tăng đơn hàng từ nước ngoài. Thị trường thương mại điện tử và tiếp thị số hóa cũng chứng kiến "cú hích" tiêu dùng lớn khi người dân có tâm lý ngại mua sắm nơi đông người, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong khi nguồn ứng viên còn hạn chế do ngành mới phát triển" - ông Kazuki Kunimoto nhận xét.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-5
Sẽ có website Việc làm quốc gia
Để giúp NLĐ có thể tìm được việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web Việc làm quốc gia. Trang web này sẽ nghiên cứu để góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ, tạo cơ hội tìm việc làm cho NLĐ, kết nối các sàn giao dịch việc làm, tư vấn, hướng dẫn NLĐ lựa chọn ngành nghề, trường nghề... để có thể thích ứng với bối cảnh hiện nay.
Bình luận (0)