Nhiều gia đình trẻ, chưa vướng bận chuyện con cái, lại có chuyên môn cao, có tiền tiết kiệm không khó chấp nhận thay đổi để trải nghiệm cuộc sống. Nhưng đa số những lao động phổ thông, công nhân (CN) làm việc đã lâu tại thành phố thì không còn con đường nào khác là phải bám trụ để tìm công việc mới.
Tạo cơ hội cho bản thân
Vợ chồng anh Phương, chị Duyên (cùng quê Quảng Ngãi) đều là những hướng dẫn viên chuyên tour quốc tế. Họ đã có nhiều năm kinh nghiệm và kể từ ngày cưới cách đây 5 năm, cả hai đã tích lũy được một khoản vốn nhỏ.
Dịch bệnh tràn đến giữa lúc sự nghiệp đang thăng tiến khiến cả hai vợ chồng trẻ này không khỏi ngỡ ngàng. Kể từ sau Tết nguyên đán, họ chẳng thể nhận tour do lệnh hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia. Chưa bao giờ nghĩ có ngày cả hai vợ chồng cùng thất nghiệp như vậy nhưng khi dịch ập đến, họ thấy rõ ngành nào cũng có rủi ro. "Trong suốt thời gian thất nghiệp, cả hai vợ chồng đã quyết định sẽ về quê đầu tư làm homestay ở quê, tận dụng đất đai sẵn có sát biển để làm du lịch. Với kinh nghiệm đi tour nhiều năm, hai vợ chồng sẽ thận trọng để tự tạo công việc cho mình và tìm thêm đồng nghiệp. Dự báo sau dịch, du lịch sẽ cất cánh do du khách muốn đi lại, vui chơi sau những ngày ở nhà do giãn cách xã hội" - anh Phương nói.
Vốn đã có dự định về quê từ lâu nên dịch Covid-19 là cơ hội để Nguyễn Ngọc Tú (31 tuổi, quê Bến Tre) thay đổi công việc. Tú đã có 7 năm quản lý nhà hàng 4 sao cho một khách sạn lớn tại quận 1, TP HCM, nên tuy có bị ảnh hưởng trong mùa dịch nhưng công ty vẫn giữ Tú lại theo diện hưởng 50% lương. Tuy nhiên, với mong ước về quê để góp phần xây dựng quê hương và cũng để có thời gian phụng dưỡng mẹ già, Tú quyết định xin nghỉ việc.
"Tôi đã bàn với mẹ và chị gái sẽ cải tạo lại khu vườn nhà để làm điểm du lịch, ăn uống, có xe đưa đón du khách tham quan vườn cây trái" - Tú nói và hy vọng đây sẽ là trải nghiệm mới sau khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động sẽ phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Ảnh: GIANG NAM
Bươn chải kiếm sống
Với những lao động tay nghề chuyên môn thấp, dịch Covid-19 khiến họ đối diện với nguy cơ thất nghiệp dài hạn. Anh Danh Lụa (SN 1979, quê Sóc Trăng) là một ví dụ.
Anh Lụa từng làm CN cho một công ty sản xuất nội thất ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Trước Tết, do công ty phá sản nên anh Lụa thất nghiệp. May mắn xin được việc làm tại một công ty sản xuất khung hình sau Tết nhưng dịch Covid-19 bùng phát đã đẩy anh rơi vào cảnh tái thất nghiệp do công ty cắt giảm lao động.
Chẳng còn cách nào khác, anh Lụa phải chạy xe ôm để đắp đổi qua ngày. Khách chủ yếu là người cùng xóm trọ nên thu nhập anh cũng bấp bênh. "Không có bằng cấp nên tôi cũng khó xin việc. Nhiều bạn bè bảo tôi về quê dễ sinh sống hơn, nhưng gia đình tôi không có ruộng để làm" - anh Lụa cho biết.
Trước dịch Covid-19, anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1987, quê Quảng Trị) là tài xế cho một công ty dịch vụ ở Thủ Đức. Công ty có 3 tài xế, do dịch bệnh nên mỗi người được chia ra chạy 10 ngày, thấy hai người đồng nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn nên Hùng đã tự nguyện xin nghỉ để họ có thêm thu nhập. Từ đầu tháng 4 đến nay, anh Hùng ở nhà trông hai con nhỏ và tìm công việc mới nhưng hoàn toàn vô vọng. Vợ anh làm CN, do dịch bệnh nên công ty không tăng ca, thu nhập giảm nhiều, cuộc sống càng khó khăn hơn.
Khi được hỏi về kế hoạch của mình khi hết dịch, anh Hùng nói: "Tôi sẽ tiếp tục tìm công việc chứ không về quê vì ở quê cũng chẳng thể tìm được việc làm. Vợ tôi vẫn còn làm việc, tôi chỉ cần kiếm được việc là cuộc sống gia đình có thể ổn định trở lại thôi".
Đào tạo lại 1 triệu lao động
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có tới 86% doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khu vực DN nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; khoảng 26% DN tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc. Trước tình hình đó, đối với các DN, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ. Theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc DN sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được phục hồi.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Về phương thức, các đơn vị sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại DN gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của DN do DN triển khai, cấp tiền trực tiếp cho DN.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-5
Kỳ tới: Thị trường lao động sớm hồi phục
Bình luận (0)