Một ngày tháng 9, chúng tôi ghé thăm em Phạm Ngọc Long, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Công Trứ (quận Gò Vấp, TP HCM). Trong ngôi nhà nhỏ của bà ngoại rộng chưa tới 15 m2 ở ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM, góc học tập của Long là căn gác nhỏ, thấp, nóng nực, ban ngày phải bật đèn mới đủ sáng. Dù gia cảnh khó khăn nhưng thành tích học tập của em rất đáng nể, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Người con hiếu thảo
Long là con trai đầu của anh Phạm Ngọc Trung, công nhân (CN) quét rác Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Gò Vấp. Để tiện việc chăm sóc cha mẹ và đưa đón 2 con đi học, chị Lê Thị Tuyết, vợ anh Trung, đi làm giúp việc nhà theo giờ. Công việc chị Tuyết không ổn định nên thu nhập cũng bấp bênh (khoảng 2-3 triệu đồng/tháng). Do vậy, chi phí sinh hoạt của cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập hằng tháng (khoảng 7 triệu đồng/tháng) của anh Trung. Khó khăn bủa vây nhưng với mong mỏi con cái được học hành đến nơi đến chốn và tìm được việc làm nhẹ nhàng hơn, vợ chồng anh Trung cố gắng làm lụng, tằn tiện chi tiêu.
Em Phạm Ngọc Long (bên phải) kèm cặp em trai học tập
Đầu năm 2019, khi giúp một đồng nghiệp sửa nhà, anh Trung không may rơi từ trên cao xuống đất, chấn thương sọ não, hôn mê. Năm ngày sau khi anh bị tai nạn, ba chị Tuyết cũng đột ngột qua đời khiến gia đình thêm khốn khó. "Tỉnh dậy trên giường bệnh với tình trạng khuyết hộp sọ, liệt nửa người, tôi như chết lặng, mọi thứ trước mắt như tối sầm lại. Nghĩ đến việc trở thành người tàn phế và là gánh nặng cho vợ con, rồi phí điều trị, sinh kế của cả nhà, đặc biệt là chuyện học hành của 2 con, tôi hoang mang" - anh Trung kể lại. Thương vợ con, anh nén đau để luyện tập, phục hồi chức năng. Sau gần 6 tháng điều trị tích cực, sức khỏe của anh dần hồi phục và có thể đi làm trở lại.
Em Lê Nguyễn Tuyết Phượng phụ mẹ chăm sóc ba bị bệnh
Thông cảm khó khăn của gia đình, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Gò Vấp đã nhận chị Tuyết vào làm CN quét rác. Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng thu nhập ổn định nên chị cố gắng bám trụ, vừa kiếm tiền để thuốc thang cho chồng vừa lo cho các con ăn học. Hiểu được vất vả của cha mẹ, dịp hè, Long xin đi làm bốc xếp để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Hằng ngày, ngoài phụ giúp việc nhà, Long còn đưa đón, kèm cặp em trai học. Khi chúng tôi hỏi về dự định trong tương lai, Long bộc bạch: "Con chỉ mong ba mẹ có sức khỏe để làm việc. Nếu may mắn còn cơ hội đến trường, con sẽ cố học thật tốt để trở thành kỹ sư điện tử".
Khó khăn không nhụt chí
Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được em Lê Nguyễn Tuyết Phượng, học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Giàu, tại khu nhà trọ bình dân ở phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM. Mẹ Phượng là chị Lê Thị Tuyết, CN Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong, thu nhập khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Còn cha em là anh Nguyễn Hữu Nghĩa, bị bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính hơn chục năm nay, sinh nhai bằng nghề bán vé số.
Sức khỏe thất thường nên thu nhập từ nghề bán vé số của anh cũng rất bấp bênh, ngày nhiều nhất cũng chỉ kiếm được 70.000-80.000 đồng. Vài tháng trở lại đây, bệnh anh Nghĩa trở nặng, ra vào viện thường xuyên, không thể đi bán được nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ dồn lên đôi vai gầy guộc của chị Tuyết. Tháng nào không tăng ca, thu nhập của chị chưa tới 4 triệu đồng/tháng, trong khi khoản chi cho tiền phòng trọ và điện nước đã chiếm gần phân nửa. Số tiền còn lại vừa lo tiền thuốc cho chồng, tiền học cho con và tiền sinh hoạt hằng ngày là bất khả thi. Do vậy, sau giờ làm, chị đi giúp việc gia đình để có thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt. "Tôi hầu như không có thời giờ nghỉ ngơi. Có những hôm tan ca xong, tôi phải chạy thẳng đến nơi giúp việc. Có lần, do kiệt sức tôi bị ngất xỉu ở nhà chủ" - chị Tuyết chia sẻ.
Những lần chồng nhập viện, chị phải gửi gắm cho người cùng phòng trông hộ để đi làm thêm. Chị cũng không được khỏe, bởi ngoài bệnh khớp, di chứng để lại sau một tai nạn giao thông nhiều năm trước khiến bả vai chị đau nhức khi phải làm việc liên tục. Thương con, thương chồng, chị vẫn kiên trì chịu đựng. "Cực khổ đến mấy tôi cũng chịu được, miễn sao là con gái không bị gián đoạn việc học" - chị Tuyết bộc bạch. Nghe chị tâm sự, chúng tôi không khỏi xót xa, song thầm cảm phục nghị lực vượt khó ở chị.
Gia cảnh khốn khó, song Phượng chưa bao giờ mặc cảm, trái lại em luôn cố gắng, tự giác trong học tập để không phụ lòng cha mẹ. Ngoài giờ học, em còn phụ giúp mẹ việc nội trợ và chăm sóc ba. "Mong ước của em là học hành thành tài để có việc làm, thu nhập ổn định và chăm lo cho ba mẹ" - Phượng bày tỏ.
Kỳ tới: Con ngoan, trò giỏi
Lời kêu gọi
Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình "Đồng hành cùng người lao động", đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, từ năm học 2018-2019, Báo Người Lao Động đã triển khai chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ". Trong năm đầu tiên, với sự ủng hộ của các doanh nghiệp và mạnh thường quân, chương trình đã trao 115 suất học bổng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng cho con CN vệ sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại TP HCM. Năm học 2019-2020, chương trình học bổng "Chắp cánh ước mơ" được đổi tên thành Chương trình học bổng Báo Người Lao Động. Nét mới của chương trình năm nay là ngoài con CN vệ sinh, chương trình sẽ mở rộng đối tượng hỗ trợ là con CN bị tai nạn lao động, CN mắc bệnh hiểm nghèo. Năm nay, chương trình tiếp tục trao 121 suất học bổng cho con CN bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP HCM.
Báo Người Lao Động trân trọng đón nhận những đóng góp, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm để tiếp sức cho chương trình. Mọi đóng góp, vui lòng gửi về: Chương trình học bổng Báo Người Lao Động hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)