Hàng trăm người lao động hành nghề xích lô du lịch ở TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lần đầu được gặp mặt, giãi bày tâm sự với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Họ cảm động khi được vị chủ tịch trao tận tay món quà là những chiếc bình thủy tinh với lời gửi gắm bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe để phục vụ du khách.
Hãy nghĩ đến tuổi già
Chương trình Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp mặt đoàn viên nghiệp đoàn (NĐ) xích lô, người chủ xe xích lô trên địa bàn TP Huế do LĐLĐ tỉnh tổ chức dự kiến diễn ra lúc 9 giờ ngày 6-1. Tuy nhiên, ngay từ sớm, hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh đã đông kín những khách mời là hàng trăm người hành nghề xích lô trên địa bàn TP Huế. Họ đến để muốn nghe lãnh đạo tỉnh nói về nghề của mình, để hỏi về những chính sách địa phương liên quan đến xích lô. "Đây là cơ hội tốt, lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp gặp, lắng nghe và trao đổi với người lãnh đạo cao nhất chính quyền tỉnh" - ông Nguyễn Văn Kiệu (54 tuổi; một người đạp xích lô trú đường Đặng Huy Trứ, TP Huế) cho biết.
Mở đầu buổi gặp mặt, ông Thọ khẳng định hiệp hội, NĐ là ngôi nhà chung, tập hợp các hội viên và nơi bảo vệ quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động (NLĐ). Sau buổi gặp mặt này, những người hành nghề xích lô ở Huế sẽ vào NĐ để được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Qua đó, các đoàn viên sẽ thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội. Người đứng đầu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định không có nghề lương thiện nào là không cao quý. "Tôi đã nhiều lần đi xích lô, nhiều lần chứng kiến hình ảnh các bác xích lô còng lưng đạp xe chở hàng vượt dốc rất vất vả. Tại sao các anh không tham gia đóng BHXH, BHYT để khi ốm đau được chăm sóc tốt hơn, đỡ tốn kém? Khi tuổi già nghỉ ngơi được hưởng lương hưu sau hàng chục năm gắn bó với nghề" - ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Thọ nói Huế là mảnh đất văn hóa, du lịch và những người hành nghề xích lô là những "hướng dẫn viên du lịch" đầu tiên tiếp cận du khách từ những phương tiện giao thông khi vừa đến Huế. Vì vậy, họ có một vai trò quan trọng đối với ngành du lịch địa phương. Do đó, ông mong muốn làm thế nào để những người hành nghề xích lô góp phần phát triển du lịch mạnh hơn, tự hào về nghề nghiệp của mình. Qua đó, ông "đặt hàng" cho những người hành nghề xích lô trang bị đủ kiến thức, sự hiểu biết cơ bản để thật sự là người hướng dẫn đầu tiên cho du khách đến quê hương của mình. Đối với các đơn vị liên quan như du lịch, văn hóa, các cấp Công đoàn, ông yêu cầu có những chính sách, chương trình để đào tạo người hành nghề xích lô có nhiều kiến thức hơn, như phát cho một người một cuốn sách nhỏ để họ đọc khi nghỉ ngơi.
Những người đạp xích lô chở khách du lịch tại TP Huế
Vào nghiệp đoàn để được bảo vệ quyền lợi
Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện địa phương này có khoảng 700 người hành nghề xích lô, riêng TP Huế có một NĐ xích lô du lịch với gần 200 đoàn viên. Bà Hương nhắn nhủ dù lao động rất vất vả và còn nghèo nhưng phải trong sạch. "Còn đói một tí, áo quần chưa chỉn chu nhưng chúng ta phải sạch. Đó là cái chúng tôi hướng đến cho các anh" - bà Hương khẳng định.
Tại buổi gặp mặt, nhiều người hành nghề xích lô ở TP Huế băn khoăn về định hướng phát triển xích lô ở Huế, về việc xe xích lô gắn động cơ có được phép hoạt động hay không, quyền lợi của người hành nghề khi vào NĐ... Trung tá Lê Viết Phương, Phó Trưởng Công an TP Huế, khẳng định xe xích lô gắn động cơ sẽ bị phạt với số tiền 5 triệu đồng và bị tịch thu phương tiện. Ông cũng cảnh báo đến những người hành nghề xích lô, không nên điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia hoặc vi phạm những lỗi khác về Luật Giao thông đường bộ. "Chúng tôi vừa xử lý 4 người hành nghề đạp xích lô có hành vi đánh bài khi rảnh rỗi. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tăng cường xử lý để góp phần xây dựng hình ảnh người hành nghề xích lô ở Huế thân thiện với du khách" - vị này khẳng định.
Trong khi đó, ông Thọ cũng chia sẻ thông tin nhiều địa phương như Hà Nội, TP HCM có ý kiến nên dẹp xích lô thì Huế hiện không có chủ trương này. Tuy nhiên, địa phương hiện không phát triển thêm số lượng xe xích lô bởi thực tế đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách. Ông Thọ cho rằng xích lô Huế vẫn tồn tại hình ảnh người hành nghề xích lô chèo kéo khách, thô lỗ nên đã làm cho Huế xấu đi, mất khách. Vì vậy, ông đề nghị những người hành nghề cần phải thay đổi tư duy, các NĐ thể hiện vai trò của mình trong việc này để mỗi lần du khách ngồi lên xe là cảm thấy yên tâm, tin cậy.
"Thời gian tới, chính quyền sẽ hỗ trợ mẫu xe xích lô mới để dần thay thế mẫu xe truyền thống, đồng thời trang bị đồng phục cho người hành nghề để du khách nhận ra đó là thương hiệu xích lô Huế".
Ông PHAN NGỌC THỌ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Bình luận (0)