Thông qua các cuộc đối thoại tại nơi làm việc, thông tin giao tiếp giữa các chủ thể trong quan hệ lao động sẽ được tăng cường, từ đó tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung. “Duy trì đối thoại là biện pháp tốt nhất để hóa giải mâu thuẫn, góp phần lành mạnh hóa quan hệ lao động” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nói.
Theo ông Richard Forwood, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thắng (100% vốn Anh quốc; gia công nội thất xuất khẩu, đóng tại tỉnh Bình Dương), mâu thuẫn giữa NSDLĐ và NLĐ thường phát sinh khi cả hai phía chưa có cơ chế trao đổi thông tin. Việc ít có cơ hội tiếp cận thông tin, đặc biệt là chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi bản thân, sẽ khiến NLĐ tâm tư và nếu những kiến nghị không được NSDLĐ quan tâm, giải quyết thỏa đáng rất dễ bị ức chế. Về phía NSDLĐ, nếu không nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ thì rất khó điều hành, quản lý tốt doanh nghiệp (DN).
Tại Công ty TNHH Phúc Thắng, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ được DN giao cho Công đoàn (CĐ) cơ sở. Trên cơ sở tiếp cận, thu thập thông tin trực tiếp hay gián tiếp, bức xúc của NLĐ sẽ được CĐ cơ sở tập hợp, phân loại trước khi đưa ra đối thoại. Tại buổi đối thoại, trên cơ sở trao đổi, tìm hiểu và phân tích nguyên nhân dẫn đến bức xúc của NLĐ, ban giám đốc và CĐ cơ sở sẽ đưa ra cách giải quyết hợp tình hợp lý nhằm đáp ứng nguyện vọng của số đông NLĐ. Sau đối thoại, các kiến nghị của NLĐ được ban giám đốc trả lời bằng văn bản và niêm yết công khai tại các xưởng sản xuất để NLĐ biết.
Từ những tác động tích cực của việc đối thoại tại DN, ông Vũ Thế Vinh, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Phúc Thắng, đúc kết: “Mọi trường hợp chưa đủ thông tin mà cả hai phía đều sử dụng lăng kính chủ quan để đánh giá vấn đề thì dễ phát sinh tranh cãi. Do vậy, đối thoại trực tiếp sẽ tạo ra sự minh bạch, giảm sự hiểu lầm và xây dựng lòng tin giữa NLĐ và NSDLĐ”.
Rõ ràng, việc duy trì tốt đối thoại tại nơi làm việc có tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của DN, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ tranh chấp lao động. “Thông qua đối thoại, CĐ, DN và tập thể lao động có cơ hội tìm hiểu, thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh ngoài thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động. E ngại hoặc từ chối đối thoại đồng nghĩa với việc DN ươm mầm tranh chấp” - ông Chính cho biết.
Bình luận (0)