TP HCM là đô thị đặc biệt; một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học công nghệ, thu hút các nhà đầu tư và lực lượng lao động lớn từ các địa phương khác. TP phát triển, con người năng động hơn, tiện nghi vật chất được cải thiện hơn song cũng có nhiều thách thức đối với các gia đình Việt Nam nói chung và CNVC-LĐ nói riêng. Một số gia đình không có thời gian nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Đã có trường hợp các cháu bị suy dinh dưỡng, bệnh tật, bỏ học, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật… Đó là nội dung được đặt ra tại buổi tọa đàm “Kỹ năng nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc” do LĐLĐ TP HCM tổ chức sáng 12-4.
Đối mặt nhiều khó khăn
Bà Đào Kim Yến, Trưởng Ban Nữ công Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, cho rằng lao động nữ hiện nay đối mặt nhiều khó khăn. Đa số công nhân (CN) từ các tỉnh về TP HCM ở trọ, không có điều kiện chăm lo cho gia đình. Họ bị cơm áo, gạo tiền cuốn đi, phải gửi con về quê hoặc gửi con đi học từ sáng sớm đến chiều tối mới đón về.
“Họ rất cần các kỹ năng nuôi dạy con cái, tổ chức cuộc sống gia đình cũng như điều kiện tiếp cận thực phẩm sạch, hàng hóa an toàn” - bà Yến đề xuất.
Một vấn đề khác mà các gia đình đang đối mặt là tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ. Bà Võ Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương (thuộc Hội LHPN TP HCM), kể trong quá trình làm việc, bà đã gặp trường hợp bà nội dẫn cháu đến nhờ tư vấn. Gia đình chỉ có một căn phòng mà mẹ, cha dượng và bé gái (học lớp 9) ngủ chung. Bốn giờ mỗi ngày, khi người mẹ đi làm thì cha dượng đã xâm hại cháu bé. Dù cháu đã nói nhưng mẹ không tin.
Bà Tâm bày tỏ: “Ngay từ nhỏ, cha mẹ phải dạy trẻ các kiến thức để tự bảo vệ. Đặc biệt, phải dạy trẻ cảnh giác đối với người khác giới, bất kể quen hay lạ; dạy trẻ không cho người khác đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Điều đau lòng là nhiều trẻ bị chính người thân xâm hại. Khi xảy ra trường hợp như vậy, các bậc cha mẹ phải đến công an hoặc cán bộ tư pháp phường để được hỗ trợ kịp thời”.
Áp lực đè nặng người phụ nữ
Thực tế hiện nay, người phụ nữ phải đóng quá nhiều vai. Ngoài công việc chuyên môn; về nhà, họ còn phải làm mẹ, làm vợ, làm dâu. Cảnh thường thấy là sau khi tan ca, người vợ phải đón con, đi chợ, nấu cơm. Còn chồng về đến nhà thì mở ti vi, đọc báo, giao hết việc nhà, nuôi dạy con cái cho vợ.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, nhìn nhận: “Đừng bó hẹp trong suy nghĩ đàn ông phải thế này, phụ nữ phải thế kia. Người đàn ông, người chồng, người cha phải nỗ lực nhiều hơn để tạo nên những mối quan hệ thật sự bình đẳng, việc nhà phải phân công hợp lý để người vợ được học tập, thăng tiến”.
Một nữ giảng viên trẻ nêu khó khăn khi phải sống trong gia đình có 3 thế hệ: “Khi chưa có con, gia đình rất hạnh phúc; đến khi có con, mọi thứ thay đổi. Chúng tôi không được toàn quyền nuôi dạy con cái vì ông bà có ý kiến trong mọi vấn đề”.
Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề tế nhị này, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh - Ban Quản lý đầu tư quận 11,
TP HCM - cho biết: “Tôi lấy chồng năm 18 tuổi và sống cùng mẹ chồng đã 21 năm. Ban ngày, tôi đi làm, tối dạy thêm yoga nên rất bận rộn và không phụ giúp được việc nhà. Đến khi có con, để giảm stress, tôi nghe nhạc, ngồi thiền. Ban đầu, mẹ chồng cũng không hài lòng nhưng tôi đã nhỏ nhẹ thưa chuyện và vận động chồng thuyết phục bà nên mọi việc đều êm xuôi”.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TP HCM:
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Các cấp CĐ cần tăng cường tuyên truyền, vận động lao động nữ nhận thức đúng về vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội; tuyên truyền các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng… Các hoạt động cần được tổ chức bằng nhiều hình thức như tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên dương gương nữ CNVC-LĐ xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Bình luận (0)