Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo góp ý kiến dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại TP HCM. Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng nhằm nâng cao quyền làm chủ của người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN), tổ chức có sử dụng lao động, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, DN trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhiều băn khoăn
Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - cho biết Đảng, Nhà nước rất coi trọng việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điều đó đã được quy định trong nhiều văn bản của pháp luật với phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng".
Người lao động Công ty CP Sài Gòn Food thường xuyên được thăm dò độ hài lòng về các hoạt động, phúc lợi tại doanh nghiệp .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Theo ông Thành, việc xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một bước tiến nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ của công dân và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ các quy định của pháp luật về vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự thảo luật gồm 7 chương, 79 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Phước, cho rằng việc giao trách nhiệm chỉ đạo hoạt động Ban TTND cho Công đoàn cơ sở nêu trong dự thảo là chưa phù hợp với quy định của Luật Công đoàn, bởi sắp tới, ngoài tổ chức Công đoàn sẽ có những tổ chức đại diện NLĐ khác ra đời. "Luật cần bảo đảm tính đồng bộ, lâu dài để tránh phải bổ sung, sửa chữa nhiều lần" - ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Văn Nho, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, góp ý: Theo quy định tại dự thảo "ở nơi chưa có tổ chức Công đoàn thì hoạt động của Ban TTND do LĐLĐ cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động". Thế nhưng, nhiều DN ở địa phương hoặc nằm trong KCX-KCN do Công đoàn các KCX-KCN hoặc Công đoàn ngành chỉ đạo trực tiếp, vì vậy chỉ nên quy định giao cho Công đoàn cấp huyện hoặc cấp trên tương đương cho phù hợp với hoạt động của hệ thống Công đoàn.
Cần có cơ chế đặc biệt
Bên cạnh cách thức, nguyên tắc hoạt động để Ban TTND hoạt động hiệu quả, vấn đề làm sao phát huy quyền dân chủ của NLĐ cũng được các đại biểu mổ xẻ. Bởi thực tế, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn phụ thuộc nhiều vào người đứng đầu đơn vị, DN.
Bà Nguyễn Thị Phương Kiều, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật - Quan hệ lao động LĐLĐ TP Cần Thơ, nêu trước đây, theo các quy định hiện hành, việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở là bắt buộc ở tổ chức có sử dụng lao động nhưng theo quy định tại dự thảo chỉ là khuyến khích. Do đó, DN có thể làm hoặc không, gây khó cho hoạt động của Ban TTND và ảnh hưởng đến quyền dân chủ của NLĐ. Theo bà Kiều, cần giữ nguyên quy định bắt buộc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở để bảo đảm DN sẽ thực hiện.
Bàn về trách nhiệm người đứng đầu, ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, cho rằng dự thảo chỉ quy định trách nhiệm công khai thông tin (tình hình hoạt động của đơn vị; thang, bảng lương; trích lập sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ thi đua khen thưởng, đóng BHXH...) của người đứng đầu đơn vị, DN mà không nhắc đến các biện pháp chế tài nếu họ không cung cấp. Từ đó, ông Đại đề xuất: "Cần có quy định rõ biện pháp chế tài nếu người đứng đầu tổ chức có sử dụng lao động không tuân thủ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời có quy định về cấm trù dập người thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy hiệu quả quyền này trong thực tế".
Theo ông Huỳnh Hoàng Anh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu, để hoạt động của Ban TTND thực sự hiệu quả, phải có cơ chế đặc biệt để bảo vệ người được bầu vào ban này, cụ thể như không được chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian họ tham gia vào Ban TTND… Có như vậy, họ mới yên tâm làm việc và thực hiện trách nhiệm của mình.
Ông VŨ HỒNG QUANG, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam: Pháp luật phải bảo đảm tính đồng bộ
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sau khi ra đời sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo động lực thúc đẩy, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ. Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề phát sinh cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện pháp luật để bảo đảm tốt quyền, lợi ích và việc kiểm tra, giám sát của NLĐ. Chỉ khi pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu khách quan của đời sống xã hội thì tiếng nói của NLĐ mới được coi trọng.
Bình luận (0)