Du lịch là một trong những lĩnh vực được đánh giá chịu tác động trực tiếp, nặng nề do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (Covid-19). Các hãng lữ hành bị hủy tour, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn... đều giảm mạnh lượng khách.
Việc làm hẩm hiu
Là một hướng dẫn viên du lịch tự do luôn tất bật quanh năm bởi sự thông minh, dí dỏm và có lượng kiến thức văn hóa vùng miền phong phú nhưng kể từ sau Tết nguyên đán, anh Trương Viết Mão (32 tuổi; quận Bình Thạnh, TP HCM) phải ở nhà trông con cho vợ đi làm.
Anh Mão cho biết công ty nơi anh làm việc đã cắt giảm 2/3 hướng dẫn viên bởi lượng khách hủy tour từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Những ai có con nhỏ được ưu tiên ở nhà để trông con do các cháu phải ở nhà để phòng dịch. "Gần chục năm trong nghề du lịch thì đây là thời điểm hiu hắt lần đầu tiên tôi chứng kiến. Thường thì mùa Tết và sau Tết, chúng tôi luôn đầy kín lịch, làm không xuể thì năm nay dịch Covid-19 bùng phát làm cho khách hàng đặt tour trước đó đồng loạt hủy, khiến các công ty du lịch lao đao. Hướng dẫn viên rồi tài xế, phụ xế, nhà xe cũng nghỉ, bộ phận văn phòng cũng "ngồi chơi xơi nước" bởi chẳng có việc gì để làm. Đây là cú sốc lớn nhất cho ngành du lịch và bản thân tôi. Không biết những ngày tới như thế nào nhưng khởi đầu năm như vậy là thấy mệt rồi" - anh Mão lo lắng nói.
Tình thế bất ngờ này buộc anh Mão bàn với vợ phải cắt giảm chi tiêu bởi công việc của anh là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Lượng khách giảm khiến đời sống tài xế taxi Vinasun bị ảnh hưởng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Anh Lê Văn Hoàng, một hướng dẫn viên tự do tại TP HCM, cho biết vẫn đang ở quê Ninh Bình chưa vào vì ảnh hưởng từ dịch nên chưa có việc. Những năm trước, thời điểm này, anh hay đi tour vào cuối tuần, dẫn tour học sinh đi tham quan, du lịch từ TP HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt... Nhưng giờ, học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch lây lan, trường học đóng cửa, hướng dẫn viên tự do như anh cũng thất nghiệp. "Nếu học sinh nghỉ học kéo dài và học bù vào kỳ nghỉ hè, tôi cũng không có việc trong mùa hè tới - vốn là mùa du lịch sôi động nhất trong năm và cũng là mùa bận rộn của hướng dẫn viên" - anh Hoàng nói.
Ông Ngô Văn Triệu, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Đông Âu (quận Tân Bình, TP HCM), cho biết theo kế hoạch tour đã đăng ký trước Tết nguyên đán, Công ty Đông Âu sẽ thực hiện 20 tour trong nước cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay trong những ngày Tết, khi thông tin dịch Covid-19 rộ lên, các đơn vị đã liên lạc để hủy tour.
"Tour bị hủy buộc các nhân sự liên quan từ điều hành tour, hướng dẫn tour, phục vụ tour và cả những điểm ăn uống, khách sạn cũng buộc phải hủy theo. Đây có lẽ là giai đoạn khó khăn nhất cho ngành du lịch và người lao động liên quan đến ngành. Ở Công ty Đông Âu, 99% khách hàng thân thiết hủy tour, chỉ duy nhất tour đi miền Tây là không hủy bởi điểm đến không có dịch. Điều chúng tôi đang lo nhất là người lao động, họ đang đối diện với nhiều khó khăn khi tour không có" - ông Triệu bộc bạch.
Thắt lưng buộc bụng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng khiến ngành vận tải hành khách công cộng gặp khó khi sản lượng hành khách giảm dẫn đến doanh thu giảm sút. Điều này đã tác động rất lớn đến tình hình đời sống, việc làm của người lao động.
Lượng hành khách giảm do tình hình dịch buộc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) phải triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ lái xe ổn định cuộc sống. Theo đó, Vinasun áp dụng hình thức ăn chia theo hướng tăng thêm tối đa đến 4,5% cho tài xế. Riêng các đối tác áp dụng hình thức hợp đồng thương quyền hoặc nhượng quyền được giảm tối đa từ 4,5% đến 10% tùy theo loại hình kinh doanh.
Đồng hành với doanh nghiệp, hơn 2.200 nhân viên khối văn phòng cũng tự nguyện giảm 8% lương nhằm giúp lái xe vượt qua khó khăn. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến nhiều HTX vận tải xe buýt TP HCM lao đao do lượng khách giảm mạnh. Dù nhiều tuyến phải chạy rỗng vì không có khách, song để phục vụ người dân, các HTX vẫn phải vận hành đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc HTX Vận tải số 15, cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng khách đi xe buýt giảm mạnh, có tuyến giảm đến 80%. "Do lượng khách đi lại giảm, nguồn thu không đủ chi nên đời sống của 260 tài xế, tiếp viên cũng bị ảnh hưởng. Thu nhập giảm buộc người lao động phải thay đổi cách chi tiêu để thích ứng với hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng động viên anh em làm việc để vượt qua giai đoạn khó khăn" - ông Thảo chia sẻ.
Tình hình của HTX 19-5 cũng tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Giám đốc HTX 19-5, lượng khách đi lại giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến HTX, đặc biệt là việc làm và đời sống của người lao động. "Dịch bệnh kéo dài sẽ khiến hoạt động kinh doanh của HTX đi vào ngõ cụt, đời sống hơn 1.000 lao động thêm khó khăn. Nếu nhà nước không có giải pháp hỗ trợ, đối tượng bị tác động nhiều nhất là người lao động. Hiện HTX đang nỗ lực hết sức để duy trì hoạt động, tuy nhiên sức chịu đựng có giới hạn" - ông Triệu cho biết.
Cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm
Chiều 17-2, lãnh đạo Sở Du lịch TP HCM cho biết thống kê sơ bộ từ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán đến nay, lượng khách đặt phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước; riêng các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ cho nhóm du khách tiếng Hoa giảm tới 70%... Khách vắng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng nặng. Một số doanh nghiệp lữ hành tại TP HCM cho biết trước tình trạng vắng khách, công ty đã tính chuyện phải cắt giảm nhân sự hoặc giảm lương chứ không thể cầm cự thêm. Đại diện khách sạn 5 sao InterContinental Sài Gòn cho hay trước tình trạng khách đặt phòng giảm mạnh do ảnh hưởng từ dịch, khách sạn bắt đầu phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm; khuyến khích nhân viên nghỉ phép năm hoặc nghỉ không lương... "Từ khoảng 750 cán bộ, nhân viên chính thức và thời vụ, hiện khách sạn chỉ còn duy trì khoảng 400 nhân sự cho việc vận hành, hoạt động kinh doanh nhưng nếu dịch tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn" - đại diện InterContinental Sài Gòn nói.
Kỳ tới: Chật vật vượt khó
Bình luận (0)