Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ tại tỉnh Bình Dương gặp rất nhiều khó khăn, phải hoạt động cầm chừng. Lý giải nguyên nhân, đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết việc các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng, lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và chưa có tín hiệu khả quan. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỉ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Gồng đến đâu hay đến đó
Đại diện Công ty TNHH Scancom Việt Nam (KCN Sóng Thần 1, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết hiện thị trường xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp (DN) chủ yếu ở châu Âu và một phần Bắc Mỹ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đơn hàng giảm mạnh, khoảng 50% so với năm 2021. Dù vậy, ban giám đốc công ty vẫn cố gắng bảo đảm việc làm cho người lao động (NLĐ). "Thời gian tới, nếu tình trạng khan hiếm đơn hàng còn kéo dài thì công ty khó giữ lại những công nhân (CN) đã hết hạn hợp đồng lao động" - đại diện công ty cho biết.
Doanh nghiệp khan hiếm đơn hàng khiến việc làm và thu nhập công nhân ngành gỗ bị ảnh hưởng
Thời điểm này năm ngoái, CN tại Công ty CP S Funriture (KCN Nam Tân Uyên, thị xã Tân Uyên) phải miệt mài tăng ca để kịp đơn hàng cuối năm, thì năm nay tất cả nhà máy chỉ làm việc giờ hành chính do đơn hàng giảm mạnh. Gặp khó về đơn hàng nhưng công ty vẫn sắp xếp , điều chuyển hợp lý để không CN nào phải nghỉ việc. Trước mắt, ban giám đốc cũng không có ý định cắt giảm lao động.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho rằng làm ăn thì có lúc này lúc khác, nếu không tăng ca được thì công ty cũng sắp xếp cho CN làm 8 giờ/ngày. Do đơn hàng bị sụt giảm nghiêm trọng, mới đây Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Hoa Nét đã buộc phải giải thể 2 nhà máy tại thị xã Tân Uyên và KCN Việt Nam - Singapore II), khiến 5.000 CN mất việc. Khoảng 5.000 CN tại 2 nhà máy còn lại vẫn được bố trí làm 8 giờ/ngày.
Việc DN gặp khó cũng khiến đời sống NLĐ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như trước đây, thu nhập của anh Trần Anh Dũng, CN một công ty gỗ ở KCN Việt Nam - Singapore II, khoảng 13-14 triệu đồng/tháng, thì những tháng qua giảm chỉ còn một nửa. "Công việc bấp bênh trong khi chi phí sinh hoạt tăng khiến gia đình tôi xoay xở không nổi. Mới đây, công ty còn thông báo nếu những tháng cuối năm tình hình đơn hàng không được cải thiện thì sẽ tính đến phương án cắt giảm lao động. Giờ gồng được đến đâu hay đến đó" - anh Dũng thở dài.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Theo nhiều DN ngành gỗ tại Bình Dương, khó khăn về đơn hàng sẽ khiến nguồn thu trong năm 2022 giảm khoảng 40%-50%. Các DN cũng đang đối diện với hàng loạt khó khăn về nguồn vốn, chi phí cho NLĐ, nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN đang triển khai các biện pháp khắc phục khó khăn trước mắt, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng và tìm kiếm thị trường mới.
Tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương với các hiệp hội và DN đầu tư trong nước tổ chức mới đây, ông Mai Hữu Tín, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, Chủ tịch Liên đoàn DN tỉnh Bình Dương, cho biết hiện hoạt động thương mại giữa DN Bình Dương với thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhiều nhà máy đang hoạt động chỉ từ 30%-50%, một số nhà máy của DN ngành gỗ có thể phải cho CN nghỉ việc từ 1-2 tháng sắp tới. Ông Tín cho rằng cần đánh giá đúng tình hình để có kế hoạch chuẩn bị ứng phó với biến động trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu cao nhất là ổn định việc làm, thu nhập cho CN.
Tại hội nghị, nhiều DN ngành gỗ kiến nghị Trung ương, tỉnh có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giảm "room" tín dụng (giới hạn cho vay của ngân hàng) và cho DN vay hàng tồn kho; có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, vận chuyển. Cùng với đó, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ.
Chia sẻ khó khăn với các DN, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành phải chủ động vào cuộc để có giải pháp hỗ trợ. "Phải xem khó khăn của DN là khó khăn của chính mình. Những vấn đề trong thẩm quyền thì phải giải quyết, trả lời ngay, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì ghi nhận báo cáo UBND tỉnh hỗ trợ, xử lý" - ông Lợi lưu ý.
Bình luận (0)