“Nếu ngày đó giám đốc xử thẳng tay, tôi cũng không oán trách vì mình có lỗi. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu gia cảnh của tôi, giám đốc đã quyết định cho tôi cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Khi tôi đi công tác xa, ở nhà, công ty đã lo việc làm cho vợ tôi, lại còn chữa bệnh cho con tôi. Có lẽ trong cuộc đời mình, tôi sẽ không có cơ hội gặp may mắn như vậy...”. Anh Trần Hiếu Minh, quản đốc xưởng may mẫu Công ty May thêu V.G (quận Gò Vấp, TP HCM), xúc động kể lại câu chuyện xảy ra với mình hơn 10 năm trước. Không phải vô cớ mà anh Minh nhắc lại chuyện cũ.
Tạo cơ hội để phục thiện
Báo Người Lao Động nhận được đơn khiếu nại của một công nhân (CN) Công ty May thêu V.G cho rằng mình bị xử lý kỷ luật không công bằng. Một CN khác cũng vi phạm tương tự nhưng lại được xử lý nhẹ hơn. Khi chúng tôi làm việc với giám đốc công ty, để khách quan hơn, ông đề nghị có thể hỏi bất kỳ ai ở bộ phận CN đó làm việc để tìm hiểu xem việc xử lý có thỏa đáng hay không.
“Xử như vậy là còn nương tay. Nếu là giám đốc, tôi đã đuổi anh ta chứ không phải cho ra làm ở bộ phận vệ sinh công nghiệp đâu” - một CN nêu ý kiến. “Anh ấy phạm lỗi quả tang, mà vi phạm tới lần thứ ba thì giám đốc mới quyết định xử lý, 2 lần trước chỉ nhắc nhở. Anh ấy cứ lấy cắp vật tư, nguyên phụ liệu; khi thì nhét trong bụng, để trong giày, lúc còn ngậm nút áo trong miệng để qua mắt bảo vệ. Chưa hết, anh ta còn lén lấy kim đang sử dụng giấu đi, lắp kim hư vào máy rồi báo hỏng để thay thế… Làm ăn như vậy, bị xử lý là đáng lắm” - một anh CN không giấu được vẻ bực tức.
Hôm đó có 6 người được hỏi ý kiến thì tất cả đều cho rằng CN kia bị xử lý như vậy không hề oan uổng, có chăng là công ty đã nương tay vì thấy anh ta đang nuôi mẹ già gần 70 tuổi đau yếu triền miên. Sau buổi tiếp xúc với CN ở xưởng may mẫu, chúng tôi đã gặp lại anh CN đi khiếu nại. Đưa cho anh xem biên bản những lần vi phạm trước đó mà anh cố tình giấu đi khi khiếu nại, chúng tôi hỏi: “Hành vi trộm cắp, theo nội quy công ty thì bị xử lý thế nào?”. Anh ấp úng: “Bị sa thải…”. “Vậy tại sao anh lại khiếu nại khi đã được xử nhẹ hơn?”. Không trả lời câu hỏi của chúng tôi, anh CN xin lại lá đơn: “Thôi, để tôi về xin lỗi giám đốc và quản đốc. Tôi sẽ nói thật lý do với họ. Nếu giám đốc giận đuổi việc luôn thì tôi cũng đành chịu”.
Cách đây 2 ngày, CN này gọi điện báo cho chúng tôi biết chẳng những anh không bị đuổi mà đầu tháng 5-2014 còn được trở về xưởng may mẫu làm công việc cũ. Anh ngập ngừng nói: “Thiệt bậy hết sức. Chỉ tại lúc đó mẹ tôi hết thuốc uống nên tôi làm liều. Phải chi tôi nói thật với công ty về khó khăn của mình thì đâu xảy ra chuyện xấu hổ đó”.
Không đẩy người lao động vào bước đường cùng
Anh Trần Hiếu Minh, người quản lý trực tiếp của CN phạm lỗi kia, nói với chúng tôi: “Do cậu ấy mới vào làm chưa được 1 năm nên không hiểu chuyện. Hơn 10 năm trước, tôi cũng đã từng mắc lỗi lầm tương tự. Khi đó, vợ tôi thất nghiệp, con gái tôi mới hơn 1 tuổi bị bệnh viêm phổi cấp tính. Trong lúc bấn loạn tâm thần, tôi đã lấy cắp một số keo cổ áo, kim may, ổ thuyền của máy may… Không ngờ, khi ra cổng bảo vệ, tôi bị máy soi phát hiện, bị lập biên bản, xử lý kỷ luật…”.
Minh kể trước ngày diễn ra cuộc họp xử lý kỷ luật, giám đốc công ty gọi anh lên gặp riêng. Ông hỏi tỉ mỉ hoàn cảnh gia đình, hỏi lý do lấy cắp tài sản của công ty và bảo anh Minh tự phong hình thức kỷ luật. Theo quy định, hành vi trộm cắp sẽ bị sa thải. Thế nhưng hôm sau, khi ra hội đồng kỷ luật, chính giám đốc là người biện hộ cho anh: “Chúng ta xử lý một con người là để người ta thấy được lỗi lầm và sửa đổi, sau đó trở thành người tốt hơn chứ không phải để đẩy người đó vào bước đường cùng. Tôi xin bảo lãnh cho anh Minh...”.
“Khi nghe giám đốc nói vậy, tôi đã khóc. Đúng là bản chất tôi không phải người xấu nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến sai lầm. Tôi đã hứa không bao giờ làm điều gì sai quấy, phụ lòng giám đốc. Mười năm qua, tôi đã thực hiện đúng lời hứa của mình. Sau 6 tháng chuyển ra Đà Nẵng phụ việc ngoài đó, tôi được trở về công ty cho đến giờ. Tôi vẫn hay lấy chuyện của bản thân như một minh chứng cho cách hành xử có tình, có lý của chủ doanh nghiệp. Xử sao cho giữ được người mới là cách làm của lãnh đạo giỏi” - anh Minh xúc động.
Bình luận (0)