Theo ông Ngọ Duy Hiểu: 10 năm qua, Luật Công đoàn đã phát huy tác dụng, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012.
Việc sửa Luật Công đoàn nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật Công đoàn hiện hành, đáp ứng yêu cầu của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, phù hợp với việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống và phù hợp với yêu cầu từ hội nhập quốc tế.
Từ thực tiễn hoạt động, nhiều ý kiến cho rằng tuy Luật Công đoàn đã có các quy định bảo vệ cán bộ Công đoàn nhưng việc thực hiện cơ chế này chưa triệt để khiến cho doanh nghiệp vẫn có thể lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trù dập cán bộ Công đoàn. Do vậy, sửa đổi luật lần này cần phải có những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ cán bộ Công đoàn. Bên cạnh đó, tình trạng nợ kinh phí Công đoàn khá phổ biến, nhưng việc truy thu rất khó khăn vì chưa có quy định thế nào là hành vi trốn đóng, chậm đóng hay nợ kinh phí Công đoàn.
Bình luận (0)