"Dù Luật Công đoàn đã quy định doanh nghiệp (DN) phải tạo điều kiện về thời gian cho Công đoàn hoạt động nhưng ở nhiều nơi, cán bộ Công đoàn liên tục bị làm khó. Biểu hiện rõ nhất là việc chủ DN giao quá nhiều nhiệm vụ chuyên môn hoặc cố tình điều chuyển cán bộ Công đoàn sang vị trí làm việc khác, không có điều kiện tiếp xúc đoàn viên". Đó là phản ánh của các đại biểu tại hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012 do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây.
"Làm khó" Công đoàn
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP HCM, qua 10 năm thực hiện, Luật Công đoàn đã khẳng định được vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên - lao động, tạo sự gắn bó mật thiết giữa đoàn viên - lao động với tổ chức Công đoàn.
Ông Lưu Kim Hồng (thứ 2 từ trái qua) - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) - thăm hỏi công nhân khó khăn
Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc thực hiện Luật Công đoàn còn bộc lộ một số hạn chế. Thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn là quyền của người lao động (NLĐ) theo quy định tại điều 175 Bộ Luật Lao động. Quyền này có thực hiện được hay không phụ thuộc vào thiện chí của người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Tuy nhiên, ở nhiều DN tại TP HCM, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh, NSDLĐ thường xuyên có hành vi cản trở NLĐ gia nhập, thành lập và hoạt động Công đoàn. Bởi lẽ, họ cho rằng DN phải chi phí tốn kém trong việc bảo đảm cơ sở vật chất cho Công đoàn hoạt động, chưa kể trả lương cho cán bộ Công đoàn khi họ tham gia hoạt động phong trào. Ngoài ra, theo các DN này, nếu tổ chức Công đoàn được thành lập sẽ hạn chế nhiều quyền của NSDLĐ, như quyền xử lý kỷ luật và chấm dứt hợp đồng với NLĐ. Nhiều DN có hành vi phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc nhằm cản trở NLĐ tham gia hoạt động Công đoàn.
Đồng tình với đánh giá trên, ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, bức xúc: "Tại các KCX-KCN thành phố, hiện chỉ có khoảng 20 DN bố trí phòng làm việc cho Công đoàn. Không chỉ hạn chế điều kiện, thời gian làm việc, nhiều DN còn "ra giá" với cán bộ Công đoàn rằng nếu muốn lên vị trí cao hơn trong chuyên môn thì xin thôi làm Công đoàn. Một số DN không đóng kinh phí Công đoàn 2% hoặc có đóng nhưng tìm cách gây khó khăn cho Công đoàn cơ sở sử dụng nguồn kinh phí này".
Các đại biểu cũng phản ánh số lượng Công đoàn cơ sở quản lý và đoàn viên ngày càng tăng trong khi biên chế giảm đã tạo áp lực rất lớn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách. Ông Phạm Văn Tài - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết do quá tải công việc nên nhiều cán bộ Công đoàn chuyên trách phải thường xuyên làm thêm giờ.
Khu biệt quyền lợi đoàn viên và người lao động
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng Luật Công đoàn năm 2012 cần sửa đổi, bổ sung quy định tại điều 10 về vai trò đại diện của Công đoàn cho phù hợp với Bộ Luật Lao động, Luật BHXH, Bộ Luật Dân sự nhằm tạo sự thống nhất và áp dụng một cách đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bảo đảm sự thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là văn bản hướng dẫn thực hiện dưới luật; tăng cường tính độc lập của cơ chế 3 bên trong quan hệ lao động.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn TP HCM, góp ý: "Khi gia nhập Công đoàn, mong muốn của NLĐ là được chăm lo, bảo vệ đúng mức. Do vậy, ngoài đổi mới phương thức hoạt động để thu hút NLĐ, cần khu biệt quyền lợi giữa NLĐ là đoàn viên và NLĐ không phải đoàn viên Công đoàn".
Ở hầu hết các DN có bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách, quan hệ lao động rất ổn định, đời sống NLĐ không ngừng được nâng cao. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng lộ trình bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách ở những DN có đông lao động.
Nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra rằng việc thực hiện quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (điều 9 Luật Công đoàn) còn mang tính khái quát, chung chung, chưa cụ thể. Do vậy, trong thời gian tới, khi nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn, nên quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019.
Bên cạnh đó, Luật Công đoàn cần quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra chế độ, chính sách cho NLĐ, tham gia giải quyết tranh chấp lao động; trong phối hợp giám sát thực thi chế độ BHXH của NLĐ theo quy định của pháp luật; quy định trong thu - chi tài chính Công đoàn…
Từ thực tiễn khởi kiện DN nợ kinh phí Công đoàn, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM - cho rằng cần tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động của DN; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, hạn chế tình trạng nợ lương, chủ bỏ trốn hoặc khi tổ chức khởi kiện thì không có tài sản để thi hành án.
Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung
Việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 là nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Trung ương Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới, tạo cơ sở nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
Việc sửa đổi luật còn nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chung về tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn trước đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Bình luận (0)