Sáng 27-5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) khóa XIII đã diễn ra phiên thảo luận tại hội trường về điều 60 Luật BHXH năm 2014. Nhiều đại biểu bày tỏ “rất buồn, đáng tiếc...” khi một điều luật vừa thông qua, chưa có hiệu lực mà đã bị phản ứng gay gắt.
Điều 60 đúng nhưng chưa đủ
Phát biểu đầu tiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chia sẻ rất thấu hiểu và thông cảm với người lao động (NLĐ). Hiện nay, thị trường lao động chưa ổn định, tiền lương chưa đáp ứng nhu cầu đời sống của NLĐ nhưng không nhất thiết phải sửa điều 60 mà trước mắt, QH cần ra một nghị quyết cho phép NLĐ được hưởng BHXH một lần nếu hoàn cảnh khó khăn. Quan điểm này của bà Thúy được một số BĐ đồng tình.
Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) có ý kiến khác: “Phản ứng của hàng ngàn công nhân có phải là của thiểu số, có phải là do NLĐ thiếu hiểu biết? Tôi cho rằng không phải như vậy. Nếu cho đây là thiểu số mà bỏ qua quyền lợi chính đáng của NLĐ là không đúng. Điều 60 đúng nhưng chưa đủ. NLĐ phản ứng là vì họ đã bị tước đoạt quyền lựa chọn. Ra nghị quyết hay sửa điều 60 đều được nhưng phải bảo đảm quyền được lựa chọn của NLĐ vì nước ta là một nước dân chủ”. Nêu khoản 2 điều 14 của Hiến pháp năm 2013 là quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đúc kết: Phải tôn trọng quyền được lựa chọn của công dân!
Khẳng định lần nữa NLĐ chưa bao giờ nói điều 60 là sai mà chỉ là còn thiếu, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) dẫn chứng thiếu ở 3 điểm. Thứ nhất, có những ngành nghề như dệt may, da giày điều kiện lao động rất khắc nghiệt, NLĐ phải tăng ca liên tục, sức khỏe suy giảm không thể làm việc đến tuổi hưu; thứ hai, đồng lương rất thấp nhưng NLĐ phải chi rất nhiều khoản, luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau; thứ ba, còn rất nhiều bất trắc trong thị trường lao động có thể ảnh hưởng đến NLĐ bất cứ lúc nào. “Gặp nhiều công nhân, tôi thấy họ rất xanh xao, mệt mỏi. Nếu chúng ta thấy công nhân ghé vào chợ lề đường chỉ dám mua mớ rau, vài miếng đậu hũ, một quả trứng hoặc ít thịt, cá ươn thì sẽ hiểu được vì sao họ phản ứng. Người có điều kiện xem vài triệu đồng là ít nhưng đối với NLĐ, đấy là cả một tài sản mà họ phải làm việc cật lực mới có được” - ĐB Tâm nói. Với những lý giải trên, ĐB Tâm nhấn mạnh NLĐ có lý do để đề nghị Chính phủ, QH ngay trong kỳ họp này xem xét, sửa đổi điều 60 theo hướng cho họ có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hay bảo lưu để hưởng hưu. Còn nếu chưa sửa được thì QH nên có nghị quyết riêng cho phép tiếp tục thực hiện như Luật BHXH năm 2006.
Quy trình làm luật “có vấn đề”
Từ câu chuyện điều 60 Luật BHXH năm 2014, nhiều đại biểu khẳng định quy trình làm luật có vấn đề. ĐB Chu Sơn Hà nói: “Một số ĐB phát biểu rằng quá trình làm luật, trong đó có điều 60, là hết sức chu đáo, hết sức hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng. Tôi nghĩ phát biểu như thế là chưa đầy đủ. Nếu như thế sao còn đề nghị ra nghị quyết? Rõ ràng là lấy ý kiến đối tượng chưa bao quát, đầy đủ. Cơ quan thẩm tra và Chính phủ cũng chưa xác định trách nhiệm của mình. Đề nghị QH giao cho Chính phủ, Ủy ban Về các vấn đề xã hội khảo sát, đánh giá lại đối tượng để có quyết định cuối cùng là ban hành nghị quyết hay sửa điều 60”.
Mạnh mẽ hơn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói: “Đây là điều hết sức đáng tiếc bởi vì điều luật chúng ta ban hành thay đổi một chính sách hết sức quan trọng và đã thực hiện ổn định trong một thời gian dài vậy mà chúng ta lại không xem xét một cách cẩn trọng, chu đáo để hôm nay ra nông nỗi này”. Theo ĐB Minh, khi Tổng LĐLĐ góp ý lần hai đề nghị giữ nguyên điều 55 Luật BHXH 2006 và cho rằng chưa thấy lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, cụ thể là công nhân lao động thì ban soạn thảo đã không quan tâm, tiếp thu. Vậy là quy trình, thủ tục làm luật “có vấn đề”. Ông Minh thẳng thắn: “Có phải có vấn đề gì ở đây? Có phải vì lo vỡ quỹ hay lo NLĐ hưởng BHXH một lần ngày càng tăng lên nên Chính phủ phải dùng chính sách pháp luật áp đặt NLĐ? Đề nghị phải giải trình, làm rõ”.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Lương hưu theo Luật BHXH 2014 gây bất công xã hội
Trước khi biểu quyết thông qua Luật BHXH năm 2014, tôi đã đề nghị chưa thông qua luật này. Vì một điều cơ bản nhất của Luật BHXH mà chúng ta cần sửa là sự phân biệt đối xử giữa NLĐ trong quốc doanh và ngoài quốc doanh. Tôi xin dẫn chứng: Hai NLĐ cùng tốt nghiệp như nhau, cùng làm việc như nhau, cùng đóng BHXH như nhau nhưng đến lúc nhận lương hưu thì người làm việc trong quốc doanh được gấp 2 lần người ngoài quốc doanh. Điều này không ai có thể chấp nhận được và hết sức vô lý. Rõ ràng, đóng BHXH và hưởng lương hưu theo Luật BHXH năm 2014 gây bất công xã hội. Tôi đề nghị rà soát, sửa Luật BHXH 2014 theo hướng như vậy và sửa toàn diện chứ không phải chỉ sửa điều 60”.
N.Phan ghi
Phải có nghị quyết trong kỳ họp này
Trao đổi bên lề QH sáng 27-5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng nên để NLĐ có quyền lựa chọn. Bản thân NLĐ tất nhiên là muốn đóng BHXH đủ thời hạn để hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống về già nhưng do họ không có điều kiện. Tờ trình của Chính phủ đã nói rõ theo hướng cho phép NLĐ chọn, còn phương án như thế nào thì QH thảo luận quyết định.
“Riêng tôi đề nghị QH cần ra ngay một nghị quyết cho phép bảo lưu điểm c khoản 1 điều 55 Luật BHXH cũ (năm 2006), đó là những người nghỉ việc sau 1 năm nếu hoàn cảnh khó khăn thì được nhận BHXH một lần hoặc bảo lưu để tiếp tục đóng, hưởng lương hưu. Việc này cũng tương tự như QH ban hành Nghị quyết 77 về đưa người nghiện không nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội. Nghị quyết này phải ra ngay kỳ họp lần này. Trước mắt là như vậy, sau đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và đánh giá, tổng kết để hướng đến sửa điều 60 Luật BHXH năm 2014” - bà Chuyền nhấn mạnh.
T.Dũng ghi
Ý KIẾN
Bà Phan Thị Lan, Chủ tịch LĐLĐ quận 6, TP HCM:
Đừng chần chừ
Những ngày vừa qua, không riêng cán bộ Công đoàn mà công nhân (CN) cả nước đều hướng về diễn đàn Quốc hội (QH). Trong khi hầu hết CN đều mong QH sửa điều 60 theo hướng để họ vẫn được quyền tự quyết giữa nhận BHXH một lần hoặc bảo lưu để hưởng lương hưu thì nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn, chần chừ. Sự chần chừ này khiến CN cảm thấy bất an. Bản thân tôi cho rằng nếu đã là ý muốn của số đông thì hãy tôn trọng bởi đất nước chúng ta là đất nước của giai cấp CN và nhân dân lao động. Lương hưu là chính sách ưu việt nhưng hiện nay vẫn chưa nhiều CN tiếp cận được với nó không phải do họ không muốn mà điều kiện không cho phép. Nếu chỉ ra nghị quyết cho lao động khó khăn hưởng một lần thì thước đo nào để xác định họ khó khăn? CN không có nhà cửa ổn định, phải ở trọ có được xem là khó khăn không? Tại sao phải đi đường vòng thay vì đơn giản cho họ tự quyết định bởi trên thực tế, CN chỉ rút khi họ thực sự cần đến nó. Theo tôi, QH nên thuận theo ý kiến của tổ chức Công đoàn và số đông lao động, sửa điều 60 sẽ giúp họ an tâm và tin tưởng vào chính sách của nhà nước.
Chị Nguyễn Thị Bích Trâm, CN Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM):
Hãy đứng vào hoàn cảnh công nhân mà quyết!
Cuối tháng 3-2015, chúng tôi ngừng việc vì không đồng thuận với việc Luật BHXH 2014 không cho người lao động được hưởng chế độ trợ cấp BHXH một lần, khi đó thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hứa sẽ kiến nghị Chính phủ, QH xem xét sửa đổi điều 60. Tin vào lời hứa đó, chúng tôi đã trở lại làm việc và chờ đợi. Tôi và tất cả đồng nghiệp xin các vị đại biểu QH hãy đứng trong hoàn cảnh của CN để suy nghĩ xem tại sao chúng tôi không lựa chọn điều tốt đẹp cho mình mà phải từ chối nó? Đó là vì cuộc sống của chúng tôi còn quá nhiều khó khăn, còn phải phụ thuộc nhiều vào khoản tiền BHXH một lần ấy để vượt qua những khó khăn trước mắt. Khi mà khó khăn trước mắt còn chồng chất thì thử hỏi có ai nghĩ tới việc an sinh khi về già? Do vậy, chúng tôi kiến nghị điều 60 phải được sửa đổi, bổ sung như Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh- Xã hội đã hứa. T.Nga - M.Chi ghi
Bình luận (0)