Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, quy mô thị trường thực tế ảo (VR) ước tính đạt 67,66 tỉ USD vào năm 2024, tăng mạnh lên 204,35 tỉ USD vào năm 2029; tốc độ tăng trưởng 24,74%/năm.
Tại Việt Nam, công nghệ VR đang dần được nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN) áp dụng như một trong những giải pháp tương tác thông minh. Mới đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM đã kết hợp với Tạp chí Du lịch Việt Nam, Trường ĐH Công nghệ TP HCM và Công ty CP Meta Art thực hiện dự án số hóa không gian bằng công nghệ VR, thực tế tăng cường (AR). Khách tham quan có thể tương tác với các hiện vật trong không gian ba chiều, đắm chìm trong âm thanh và hình ảnh sống động; dễ dàng truy cập thông tin chi tiết.
Trước đó, năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ VR360 vào các hoạt động triển lãm, trưng bày của đơn vị này. Thông qua công nghệ VR360, người dùng có thể di chuyển, khám phá, cảm nhận hiện vật một cách chân thực nhất chỉ bằng những thao tác như tiến, lùi, quay trái, phải.
Ông Lý Văn Tín, đại diện Công ty CP Chuyển đổi số - đơn vị cung cấp giải pháp tương tác thông minh 3D và 360 độ - cho biết công nghệ VR, đặc biệt là VR360, hiện được ứng dụng trong nhiều dự án ở lĩnh vực văn hóa - du lịch, như Địa chỉ đỏ Hà Nội, Một chạm Đà Nẵng, Di tích Quốc gia đặc biệt mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre, Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định... Chỉ cần nhấp vào địa điểm muốn đến, hệ thống sẽ lập tức mở ra để người dùng xem, tìm hiểu các tư liệu liên quan bằng văn bản, video, hình ảnh...
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, nhiều đơn vị cũng đã áp dụng VR360 để triển khai dự án số hóa không gian trường học như Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng)... Người quan tâm có thể được trải nghiệm chuyến tham quan không gian nhà trường, cơ sở vật chất trường học. Việc này hỗ trợ rất tốt cho các trường trong hoạt động truyền thông, tuyển sinh.
Góp ý về việc ứng dụng VR trong DN, đơn vị, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm ứng cứu khẩn cấp an ninh mạng Việt Nam, lưu ý cần cân đối chi phí phát triển phần mềm, hệ thống, nhân sự, mua sắm lượng lớn kính VR có giá trung bình 10 triệu đồng/chiếc... với hiệu quả kinh tế đạt được. Ngoài ra, cần có giải pháp bảo mật dữ liệu, chống đánh cắp bản quyền, bảo vệ người sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc điều hành KEYSTONE, cho hay khi hiện dự án tích hợp VR, các tổ chức, DN cần phân tích kỹ đối tượng khách hàng để triển khai phù hợp, tránh lãng phí. "Công nghệ VR đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Từ những kinh nghiệm đó, tổ chức, DN của Việt Nam nên tạo ra những trải nghiệm VR khác biệt, gây ấn tượng mạnh, xây dựng giao diện trực quan, dễ điều khiển, phù hợp với mọi đối tượng" - ông Thức gợi ý.
Bình luận (0)