Bản tin quý IV/2021 của Alibaba đưa thông tin thú vị là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang triển khai dự án Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để "nhân cách hóa" các bức tranh lịch sử.
"Big tech"đánh cược vào VR
Dự án được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Tầm nhìn của Học viện DAMO - đơn vị đứng sau công nghệ hình đại diện ảo của Alibaba và công cụ tìm kiếm hình ảnh Pailitao. Các kỹ sư tại đây đã phát triển một thuật toán phân tích hình ảnh để phát hiện các đặc tính khuôn mặt cũng như những nét đặc sắc của nhân vật lịch sử trong tranh.
DAMO sử dụng video có giọng nói của người dân Hàng Châu để thuyết minh cho dự án và mô hình hóa những thay đổi trong chuyển động của họ. Sau đó, DAMO sử dụng các mô hình AI để xử lý kho thông tin này nhằm biến đổi các nhân vật trong tranh tĩnh thành các nhân vật thực tế và sống động như thật.
Bản tin của Alibaba chưa tiết lộ cụ thể dự án sẽ được ứng dụng hoặc thương mại hóa ra sao song mục tiêu sử dụng AI vào các dịch vụ liên quan đến VR của gã khổng lồ công nghệ này đã được thể hiện rõ ràng.
Mới đây, Alibaba còn công bố chiếc kính AR DingTalk do Alibaba Group Holding phát triển, giúp người dùng tham gia vào các cuộc họp ảo. Động thái này cho thấy Alibaba muốn "đặt cược" và đánh dấu sự có mặt của mình trong khái niệm metaverse (tạm dịch: vũ trụ ảo) vốn đang là xu hướng "nóng" của ngành công nghệ.
Trước đó, Học viện DAMO của Alibaba cũng khai thác lĩnh vực thực tế tăng cường (AR) thông qua phát triển một hệ thống có thể quét cửa hàng thực và tạo phiên bản ảo để hiển thị trên thiết bị đầu cuối di động với đầy đủ thông tin sản phẩm, thậm chí có cả nhân viên ảo trông coi cửa hàng…
Amazon - đối thủ của Alibaba - từ vài năm trước đã ra mắt công cụ AR View dành cho ứng dụng mua sắm phiên bản iOS. Công cụ này cho phép người dùng hướng camera tới chỗ muốn đặt món đồ để xem liệu đồ dùng có hợp với khung cảnh thực tế hay không trước khi đưa ra quyết định mua sắm.
Thử đồ nội thất bằng thực tế ảo - Ảnh: internet
Các chuyên gia thương mại điện tử cho rằng khi việc ghé thăm một cửa hàng trở nên kém an toàn trong đại dịch Covid-19, những công nghệ như AR, VR có thể thừa thắng xông lên. Nhiều công ty đang ứng dụng AR để hỗ trợ quá trình mua sắm trực tuyến của khách hàng, từ ướm thử quần áo, phụ kiện lên người đến đặt thử đồ nội thất vào không gian nhà cửa…
Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer ước tính có khoảng 2,4 tỉ USD được chi cho quảng cáo có sử dụng AR trong năm 2021 trên toàn cầu, tăng 71% so với năm 2020.
Cần thêm thời gian
Thừa nhận Metaverse, trong đó có AR và VR, có khả năng thống trị thị trường thương mại số trong tương lai song chuyên gia thương hiệu Lại Tiến Mạnh cho rằng xu hướng này không dễ trở nên phổ biến một sớm một chiều.
"AR, VR không thực sự tiện lợi và chưa phù hợp với bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay tại Việt Nam cũng như tại nhiều quốc gia khác. Khách hàng muốn sử dụng công nghệ này phải có kính chuyên dụng, vừa tốn kém vừa mất thêm thời gian. Chưa kể, nếu sử dụng VR, tốc độ tải của trang sẽ chậm hơn rất nhiều. Trong khi đó, hình thức mua sắm tại chỗ với ưu điểm được nhìn, sờ vào món hàng thật vẫn được nhiều người tin tưởng hơn" - ông Mạnh nhận xét.
Dưới góc nhìn của người làm thương hiệu, ông Mạnh cho rằng dù nhiều nhãn hàng đã ứng dụng công nghệ ảo vào marketing và bán hàng song hiệu quả thực tế đến đâu thì cần đo đếm cụ thể. "Tôi nghi ngờ sự thống trị của Metaverse trong thương mại. Cần có những bước đi ban đầu để có đánh giá thực chất hơn" - ông Mạnh cẩn trọng.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng có rất nhiều điều ảnh hưởng đến khả năng phát triển và áp dụng trên quy mô lớn của VR. Chẳng hạn, sự thiếu cân bằng giữa chi phí bỏ ra với hiệu quả thu về, tình trạng thiếu hụt đồ họa chất lượng cao trên toàn cầu, sự thiếu tiện lợi khi sử dụng kính hay nhiều máy tính trên thị trường không có khả năng cấp nguồn cho VR…
Một chuyên gia của Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena lưu ý vấn đề bảo mật thông tin trong ứng dụng metaverse cần được quan tâm. Bởi lẽ, các công ty công nghệ có thể sẽ thu thập thông tin cá nhân của người dùng thông qua tương tác của người dùng và các thiết bị liên quan như kính VR. Ngay việc Facebook đang có kế hoạch xây dựng một cơ chế quảng cáo theo mục tiêu bền vững trong metaverse cũng đã làm dấy lên những lo lắng liên quan đến việc rò rỉ thông tin cá nhân - điều khiến Facebook hứng chịu nhiều chỉ trích trước đây.
"Cũng giống như khi internet hay trò chơi điện tử mới ra đời, metaverse có thể gây nghiện, khiến người sử dụng chìm vào thế giới ảo và thoát khỏi thế giới thật" - chuyên gia của của Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng Athena lưu ý.
Bình luận (0)