Những phát hiện này, được cập nhật trên bảng chỉ số CĐS (Digital Transformation Index, DT Index) lần thứ 3 và mới nhất của Dell Technologies, chỉ ra rằng các tổ chức đang đẩy nhanh những chương trình chuyển đổi công nghệ từ nhu cầu thực tế khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu cần phải hoạt động chủ yếu trên nền tảng số và internet.
Là một trong những nghiên cứu đầu tiên trên toàn cầu để đo lường phản ứng của doanh nghiệp (DN) do ảnh hưởng của đại dịch, chỉ số DT Index của Dell trong năm 2020 cho thấy cứ 10 DN thì 8 DN đã đẩy nhanh một số chương trình CĐS trong năm nay và 79% trong đó đang sáng tạo lại mô hình kinh doanh.
Chính với những đặc thù của đại dịch Covid-19 buộc cả thế giới phải giãn cách xã hội, hạn chế giao tiếp trực tiếp, tránh tới các nơi công cộng, mọi hoạt động của xã hội từ công việc quản lý nhà nước tới giải trí cá nhân phải tiến hành từ xa trên nền tảng internet. Đây là yêu cầu bức thiết phải đẩy nhanh tiến trình CĐS để đưa mọi hoạt động xã hội chuyển sang nền tảng kỹ thuật số và online.
Ở Việt Nam, cũng giống các nước khác, hoạt động dạy và học online cũng như khám chữa bệnh từ xa qua internet trở nên một giải pháp hầu như bắt buộc phải như vậy. Và các bên có liên quan đã phải xoay xở tăng tốc để đáp ứng những yêu cầu đó. Còn với quy mô từng tổ chức, cơ quan, DN, thời đại dịch buộc họ phải làm việc từ xa, làm việc ở nhà, giao dịch qua internet. Nếu như trước đây làm việc online chỉ là một tùy chọn và giới hạn trong một số bộ phận thì nay phải thực hiện đại trà, hầu như với toàn bộ. Mọi việc sau những bỡ ngỡ ban đầu giờ đã trơn tru và có thể trở thành một trạng thái làm việc mới kể từ nay làm thay đổi hoàn toàn cách vận hành tổ chức truyền thống.
Về quản lý nhà nước, Việt Nam đã có cơ may là một thời gian ngắn trước khi đại dịch bùng phát trên thế giới, Cổng dịch vụ công quốc gia đã được khai trương vào ngày 9-12-2019, là đầu mối kết nối với các cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, góp phần công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng của người dân, DN. Đến nay đã có hơn 1.000 dịch vụ công điện tử được đưa vào Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân ở những đô thị lớn nay đã có thể giao dịch những dịch vụ công từ thủ tục hành chính đến khâu thanh toán điện tử trên điện thoại kết nối internet như thanh toán tiền điện, BHYT, BHXH, phí và lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông… Mục tiêu đặt ra là đạt 30% dịch vụ công trực tuyến mức 4 trong năm 2020 và vào năm 2021 sẽ có 100% dịch vụ công giao dịch cấp độ 4, nghĩa là giao dịch dịch vụ công điện tử hoàn tất đến khâu cuối cùng là thanh toán phí, lệ phí qua thẻ, tài khoản ngân hàng, ví điện tử…
Từ thực tiễn ở Việt Nam, việc các tổ chức triển khai CĐS tuy khó nhưng vẫn dễ hơn là làm sao khuyến khích được người dân sử dụng các dịch vụ số.
Phải nói rằng chính tình hình đại dịch đã buộc các tổ chức phải chuyển sang cung cấp dịch vụ online và người dân cũng buộc phải sử dụng dịch vụ online. Có một vấn đề mà nhà nước và các tổ chức cần nghĩ tới là có các giải pháp để tiếp tục duy trì CĐS thời hậu dịch. Thời cơ không đến lần thứ hai.
Bình luận (0)