Để có thể phục vụ tốt nhất cho người dân và giảm tải cho cán bộ nhà nước trong việc xử lý hồ sơ hành chính, chính quyền cơ sở và các ban ngành chuyên môn, cơ quan quản lý những dịch vụ công phải ứng dụng các giải pháp công nghệ. Không chỉ ở cấp độ số hóa như trước đây mà phải cấp thiết xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số.
Nâng hiệu quả quản trị đô thị
Trong bài viết trên Báo Người Lao Động (22-4-2021), tác giả Thông Đạt đã dẫn 2 trường hợp cán bộ nhà nước bị quá tải. Một cán bộ phụ trách kinh tế ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân (TP HCM) than mình đang làm 19 đầu việc. Anh bị ám ảnh: “Việc nhiều đến mức nằm mơ cũng thấy đang xử lý”. Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành, quận 12 (TP HCM) cho biết mỗi ngày phường tiếp nhận 250-300 hồ sơ sao y chứng thực và lãnh đạo phường trực văn phòng phải ký ít nhất là 500-600 chữ ký. Đó là chưa tính hầu hết hồ sơ sao y có hơn 2 bản.
Nguyên nhân vừa do dân số tăng, vừa phải giảm bớt số lượng cán bộ cơ sở theo yêu cầu tinh giản bộ máy nhà nước. Tại TP HCM, thực hiện chủ trương này, từ đầu năm 2021 tới nay đã cắt giảm 2.299 cán bộ không chuyên trách khiến tình trạng quá tải trong bộ máy chính quyền cơ sở sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, trong một bài viết trên báo chí về việc xây dựng chính quyền đô thị tại các thành phố lớn, đã nêu ra các giải pháp để chính quyền đô thị hoạt động hiệu quả, trong đó có giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị đô thị, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh. Trước đây, việc chuyển từ thông tin, văn bản trên giấy sang kỹ thuật số chỉ để phục vụ cho tin học hóa và mang tính cục bộ từng đơn vị nên cũng chỉ có giá trị phục vụ cục bộ.
Trong tiến trình tiến hành chuyển đổi số toàn diện cả quốc gia, các dữ liệu số hóa đó cần phải được liên thông trong cơ sở dữ liệu dùng chung. Để bảo đảm tính bảo mật và an toàn thông tin cá nhân từng công dân, ngoài những dữ liệu phổ biến có thể dùng chung rộng rãi, những dữ liệu chuyên biệt chỉ có thể được chia sẽ giữa các bộ phận hữu trách. Thay vì mỗi lần sao y chứng thực tài liệu, UBND cấp phường, xã phải lưu lại một bản giấy, lâu dần kho lưu trữ bị quá tải, thì nay văn phòng chứng thực chỉ cần nhập thông tin vào máy tính và có thể quét hay chụp hình văn bản đó lưu vào cơ sở dữ liệu, chỉ cần số CMND, căn cước công dân là có thể tra cứu nhiều thông tin cần thiết, như mã số thuế cá nhân…
Với BHYT, người dân chỉ cần nhập mã số BHXH/thẻ BHYT vào trang web của BHXH Việt Nam là có thể biết rõ các thông tin về BHYT của mình (như ngày hết hạn, nơi đăng ký khám ban đầu…). Kể từ tháng 7-2019, người dân cũng có thể nhắn tin SMS cho đầu số 8079 theo cú pháp BHTHE(Mã thẻ BHYT) và chịu cước 1.000 đồng/tin nhắn là có thể nhận được ngay các thông tin về thẻ của mình. Bây giờ, cũng chỉ cần nhập 10 số cuối của mã thẻ BHYT.
Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM tiếp nhận hồ sơ trực tuyến Ảnh: Hoàng Triều
Xử lý trên nền tảng trực tuyến
Người viết bài cách đây ít ngày đã được trải nghiệm nó qua việc đổi căn cước công dân gắn chip. Nhờ các thông tin nhân thân công dân đã được lưu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cán bộ làm thẻ chỉ cần dùng số CMND cũ truy cập vào dữ liệu, hỏi công dân để xác nhận các thông tin cơ bản rồi tự động nhập vào tờ khai đổi thẻ và in ra cho công dân kiểm tra lần cuối rồi ký tên, giúp người dân khỏi phải điền vào bất cứ tờ khai nào. Việc lấy dấu vân tay và chụp ảnh công dân cũng được kết nối trực tiếp để lưu ngay vào cơ sở dữ liệu.
Việc làm mới hay đổi hộ chiếu giờ cũng rất tiện. Người dân chỉ cần truy cập website của cơ quan quản lý, điền thông tin vào tờ khai online, chọn nơi và ngày làm thủ tục, đăng ký và sẽ được cấp mã vạch. Sau đó, khi tới cơ quan làm thủ tục, người dân chỉ cần trình mã vạch cho cán bộ làm thủ tục quét vào máy là có đầy đủ thông tin cần thiết. Theo Nghị định 37/2021 thi hành Luật Căn cước công dân, hiệu lực từ ngày 14-5-2021, người dân được tra cứu thông tin của mình trong Hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua dịch vụ nhắn tin hoặc gửi văn bản. Giữa năm 2019, các lãnh đạo TP HCM đã nhấn nút triển khai ứng dụng phòng họp không giấy và ứng dụng “Giao việc tức thời - nhắc việc thông minh” áp dụng tại trụ sở UBND TP, ước tính giảm 30% giấy tờ, 40% chi phí cho việc họp hành. Lúc đó, Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo triển khai ứng dụng đến 31 sở, ngành và 24 quận, huyện; năm 2020 triển khai hai ứng dụng trên đến các xã, phường trên toàn địa bàn TP.
Từ phòng họp không giấy, tiến trình chuyển đổi số mở rộng tới văn phòng không giấy, hầu hết dịch vụ có thể được quản lý và thực hiện trên nền tảng online. Ngay từ tháng 3-2020, Sở Y tế TP HCM đã chính thức ra mắt ứng dụng “Y tế trực tuyến”. Theo Cổng thông tin điện tử ngành y tế TP HCM, đây là một ứng dụng mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân cùng tham gia giám sát và phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức. Nhưng được nhiều người dân mong đợi nhất là phương thức khám bệnh trực tuyến. Cho tới nay, ngày càng có thêm nhiều cơ sở y tế cả của nhà nước lẫn tư nhân ứng dụng công nghệ để triển khai hình thức khám bệnh trực tuyến. Cuối tháng 9-2020, Bộ Y tế đã khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Bộ Y tế mới đây cũng đã triển khai thí điểm đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến giúp người bệnh hạn chế xếp hàng, chủ động chọn giờ và bác sĩ khám, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, được tạm ứng trước, rút ngắn một nửa thời gian khám bệnh, chữa bệnh so với việc đến khám, chữa bệnh trực tiếp.
Phải đồng bộ và bảo đảm tính liên thông
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội không còn là xu hướng mà đã trở thành một yêu cầu để tồn tại, phát triển và hội nhập quốc tế. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần có tính đồng bộ, toàn diện trên cơ sở liên thông và tiện dụng. Nếu không, tất cả chỉ là lãng phí và không thể phát huy tác dụng.
Bình luận (0)