Theo đó, nhóm người này tạo ra những ứng dụng giả mạo "Trình quản lý quảng cáo cho Facebook", tìm cách đưa lên kho ứng dụng Google Play dành cho các thiết bị Android rồi lừa người có nhu cầu quảng cáo trên Facebook tải về. Cái lợi trước mắt là người dùng được quảng cáo trên Facebook với giá "chiết khấu" cực rẻ, có khi chỉ bằng 1/3 mức giá bình thường. Tuy nhiên, chi phí quảng cáo thay vì chạy về các đại lý quảng cáo chính thức thì lại vào tài khoản của kẻ lừa đảo.
Vụ kiện đã bộc lộ nhiều bất cập trong kinh doanh trên mạng. Chẳng hạn, vì sao các ứng dụng giả mạo một pháp nhân nổi tiếng như Facebook mà vẫn có thể lọt vào kho ứng dụng Google? Tổng thiệt hại do Facebook công bố lên tới 36 triệu USD cho thấy vụ lừa đảo này đã diễn ra trong thời gian dài và trên diện rộng, nhưng vẫn không bị phát hiện. Vì sao các đại lý quảng cáo Facebook bị mất tiền mà vẫn không hay biết?
Facebook có đội ngũ pháp lý quốc tế cực mạnh và chuyên nghiệp. Vì thế, họ kiện ai thì khả năng khó "oan sai", ít ra với lý lẽ của họ. Chỉ có điều, đây là vụ việc quá lớn trong bối cảnh tràn lan những hành vi vi phạm pháp luật trên mạng khác. Quan trọng là bản thân các dịch vụ trên nền internet phải tự tìm ra cách bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công mạng.
Theo chuyên gia bảo mật Ngô Trần Vũ, hacker sử dụng kỹ thuật đánh cắp phiên, xâm nhập tài khoản của các nhà quảng cáo Facebook rồi "xài chùa" tiền quảng cáo cho các sản phẩm dịch vụ. Khi Facebook phát hiện thì đã thiệt hại 36 triệu USD và họ sẽ trả lại bằng tài khoản "giá trị quảng cáo" cho các nạn nhân. Vấn đề đặt ra là Facebook và các kho ứng dụng có thể bị hacker khai thác để xâm nhập tài khoản của các nhà quảng cáo. Cuộc chiến giữa bảo mật và hacker luôn luôn tiếp tục, bất chấp sự tiến bộ công nghệ bảo mật của các "ông lớn công nghệ" cũng không có bất cứ ngoại lệ nào.
Bình luận (0)