Quán Mì Quảng trộn Anh Út nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Cách mạng Tháng Tám (phường 15, quận 10, TP HCM). Cận Tết, quán phối hợp với các app đặt đồ ăn liên tục tung ra những chương trình khuyến mãi hấp dẫn nên tài xế công nghệ xếp hàng dài đợi trước quán.
Ðây là nơi đặt bếp tổng của chuỗi Mì Quảng trộn Anh Út với 4 điểm bán tại TP HCM. Anh Ðặng Minh Trí, sáng lập Công ty CP Anh Út, cho biết 60% doanh thu của quán đến từ khách đặt qua app, khách ăn tại chỗ chỉ chiếm 20%, còn lại là giao hàng cho khách đặt trực tiếp.
Tài xế công nghệ giao thức uống cho khách hàng
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp cuối năm 2018, anh Trí kể do mở 1 quán ăn theo kiểu gia đình, thu chi ghi chép thủ công nên anh bị quá tải và thường xảy ra sai sót. Khoảng 1 năm sau, anh chuyển sang dùng phần mềm để quản lý nên ghi nhận được doanh thu, chi phí, tồn kho một cách rõ ràng và dễ dàng so sánh, đối chiếu các mốc thời gian. Từ dữ liệu tổng quan, anh Trí nhìn rõ được hoạt động kinh doanh để lên chiến lược phát triển phù hợp như cần đẩy mạnh kênh bán, món ăn, thời điểm nào, ra sao để thu hút đông khách hàng nhất.
"Quan trọng nhất là phần mềm giúp chúng tôi có dữ liệu khách hàng và có kế hoạch chăm sóc phù hợp để tăng doanh thu. Hiện nay, nhờ Zalo, Facebook, chúng tôi có thể kết nối với khách hàng thường xuyên với chi phí thấp hơn trước kia rất nhiều" - anh Trí chia sẻ.
Nhờ số hóa mà chuỗi F&B của anh Trí được ngân hàng cho vay tín chấp 100 triệu đồng, lãi suất khoảng 15%/năm với thủ tục rất đơn giản giúp anh bổ sung vốn lưu động trong bối cảnh tìm vốn rất khó khăn. Các dữ liệu về hoạt động kinh doanh của các cửa hàng được phần mềm ghi nhận chính là cơ sở để ngân hàng đánh giá khả năng trả nợ, không cần phải có tài sản thế chấp.
Là người sáng lập hệ thống AM Café (Công ty TNHH Kinh doanh và Giải trí Thế hệ mới) với 6 chi nhánh tại TP HCM, anh Nguyễn Ðức Thành nhìn nhận ngành F&B đang số hóa rất nhanh. Hầu hết các nghiệp vụ trong kinh doanh F&B như: tính tiền, quản lý kho, quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng đều có phần mềm hỗ trợ. Nhờ vậy, anh có thể quản lý từ xa mà hệ thống quán vẫn vận hành hiệu quả.
Không chỉ chuỗi F&B như quán của anh Thành, anh Trí mà nhiều quán vỉa hè cũng phải số hóa. Giới trẻ hiện nay rất ít dùng tiền mặt nên các quán vỉa hè cũng phải chấp nhận thanh toán chuyển khoản, từ chuyển khoản cá nhân đến việc tạo mã QR để khách tiện quét mã, thực hiện các chương trình khuyến mãi... Các ví điện tử như: Momo, VNpay, Zalopay... phổ biến và kết hợp rất tốt với các chuỗi F&B để lên các chiến dịch khuyến mãi có lợi cho đôi bên và cả người dùng. Các app giao hàng nở rộ cũng buộc người kinh doanh F&B phải số hóa để thích ứng với tình hình mới.
"Ðầu tư cho số hóa giúp ngành F&B tiết kiệm chi phí nhưng quan trọng nhất vẫn là con người sử dụng để phục vụ tốt nhất cho việc quản lý" - anh Thành nhận xét.
Theo các chuyên gia trong ngành F&B, với số hóa và việc thay đổi mô hình vận hành đã giúp ngành, đặc biệt là các chuỗi cà phê, có thể thích ứng với việc thiếu lao động, nhất là dịp Tết. Nhiều quán cà phê đã áp dụng mô hình trả trước và thẻ rung, khách hàng tự nhận thức uống tại quầy nên không cần nhiều nhân viên, còn khách hàng có thêm không gian riêng tư để làm việc, trò chuyện.
Qua 2 năm dịch COVID-19, nhiều thời điểm các quán không được phục vụ tại chỗ đã tạo ra sức ép để hầu hết các điểm bán đều phải phát triển mảng bán hàng mang về, bán hàng online. Từ đó, ngành đã cải tiến vượt bậc trong khâu đóng gói đồ ăn, thức uống.
Chuyên cung cấp giải pháp quản lý ngành F&B tại Việt Nam với hơn 100.000 thương hiệu F&B, trong 5 năm qua, Công ty CP iPOS.vn ghi nhận số lượng khách hàng tăng trưởng trung bình hơn 70%/năm. Ông Nguyễn Thái Dương, Giám đốc marketing Công ty CP iPOS.vn, dự kiến đà tăng trưởng cao như trên vẫn còn duy trì trong những năm tới. Cơ sở cho nhận định trên bởi ngành F&B của Việt Nam rất phát triển, đi cùng với ngành du lịch đang được đầu tư mạnh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, số hóa cũng đang là lĩnh vực được ưu tiên và được xem là động lực phát triển.
Tuy nhiên, ông Dương thẳng thắn nhìn nhận tỉ lệ số hóa của ngành F&B hiện còn thấp, đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức cho công ty. Ðiều này xuất phát từ việc ngành kinh doanh truyền thống, quy mô nhỏ lẻ và nhiều người chưa thấy được sự cần thiết phải số hóa khi việc quản lý theo cách cũ vẫn ổn. Số hóa - chuyển đổi số có nhiều cấp độ khác nhau để phù hợp từng mô hình kinh doanh khác nhau và trong tương lai, các phần mềm sẽ càng đơn giản và dễ sử dụng hơn.
Bình luận (0)