xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Máy lọc nước điện cực thuần Việt đầu tiên

Bài và ảnh: HUẾ XUÂN

Mẫu nước đen ngòm ở kênh Nhiêu Lộc sau khi đưa vào máy lọc công nghệ CDI có thể dùng để... pha trà!

TS Đỗ Hữu Quyết là "cha đẻ" của dự án máy lọc nước công nghệ CDI, còn gọi là công nghệ điện cực kết hợp. Dự án mới đây lọt tốp 50/2.000 dự án khởi nghiệp xanh trong nước và quốc tế do StartUp Wheel - một trong những cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất Đông Nam Á - bình chọn.

Lõi CDI "made in Vietnam"

Gặp TS Đỗ Hữu Quyết tại InnoEx 2023 - sự kiện quốc tế thường niên thúc đẩy đổi mới sáng tạo dành cho doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN tổ chức vào cuối tháng 8-2023, chúng tôi được anh giới thiệu kỹ lưỡng về sản phẩm máy lọc nước "3 khỏe - 4 xanh".

Anh Quyết cho biết thông thường một máy lọc nước có 8-10 lõi lọc nhưng sản phẩm của anh chỉ cần 4 lõi lọc. Đó là lõi PP 5 Micron, lõi than hoạt tính CTO, lõi nano Silver và lõi CDI. "Lõi CDI chính là "con át chủ bài", được nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam và đã có đơn hàng đầu tiên ở thị trường quốc tế. Máy lọc nước CDI là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đã làm chủ công nghệ lọc nước đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới tiêu chuẩn EPA của Mỹ" - TS Đỗ Hữu Quyết hào hứng.

Giải thích thêm về cơ chế hoạt động của sản phẩm, anh Quyết cho biết bộ lọc CDI sử dụng các cặp điện cực siêu hấp thu âm - dương làm từ vật liệu nano các-bon, có khả năng hấp thu ion gấp khoảng 1 tỉ lần so với điện cực thông thường. Khi dòng nước đi qua các cặp điện cực này, nhiều chất độc như As, Pb, Hg... hay kim loại nặng như Fe, Mn, Cr, Cu... và một phần chất khoáng bị giữ lại. Điện cực sẽ đẩy các ion thải ra ngoài với tỉ lệ 5%-20%, phần nước lọc được làm sạch và thu hồi chiếm 80%-95%. Đặc biệt, các tấm điện cực còn tạo ra một điện trường lớn giúp tiêu diệt vi khuẩn trong nước.

Nhớ lại lần kiểm tra mẫu thử ở kênh Nhiêu Lộc, TS Đỗ Hữu Quyết cho hay sau khi đưa mẫu nước đen ngòm vào máy lọc, anh và cộng sự đã thu được nước sạch. Cả nhóm dùng nước này để pha trà và nhâm nhi ở dưới hàng cây gần đó. "Hơn ai hết, chúng tôi phải là người thử nghiệm sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn trước khi ứng dụng vào thực tế" - anh Quyết bày tỏ.

Máy lọc nước điện cực thuần Việt đầu tiên - Ảnh 2.

TS Đỗ Hữu Quyết với sản phẩm máy lọc nước công nghệ CDI đầu tiên tại Việt Nam

Ứng dụng đa dạng

Nói về tiêu chí "3 khỏe - 4 xanh", TS Đỗ Hữu Quyết cho hay 3 "khỏe" gồm: lọc sạch, giữ khoáng tốt và điều chỉnh tỉ lệ khoáng giữ lại phù hợp; còn 4 "xanh" gồm: giảm nước thải gần 5 lần so với công nghệ truyền thống, tiết kiệm lõi lọc và thời gian thay lõi lọc gấp 2 lần, tiêu thụ ít điện và không dùng hóa chất. Nhà khoa học giải thích trong nước có 21 vi dưỡng chất cần thiết, nếu không chọn lọc kỹ phân tử sẽ vô tình làm mất dưỡng chất tốt. Ngoài ra, máy lọc nước cũng có thể điều chỉnh vị nước phù hợp với thói quen uống nước của mỗi người, vùng miền.

Sau hơn 1 năm đưa máy lọc nước công nghệ CDI vào sử dụng ở phòng thí nghiệm để phục vụ sinh viên nghiên cứu, GS-TS Nguyễn Hữu Lâm, Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã đưa ra đánh giá khá tốt. Theo ông Lâm, máy lọc nước 2 lần mà viện này từng sử dụng tiêu tốn rất nhiều điện nhưng lượng nước lọc ra rất ít và phải thường xuyên bảo trì. Còn máy lọc nước công nghệ CDI có mức độ ổn định cao và bảo đảm an toàn trong khi sử dụng.

Trên thị trường, sau 2 năm ra mắt với giá bán dao động 8-10 triệu đồng/chiếc, sản phẩm máy lọc nước CDI cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hơn 70% đơn hàng mới đến từ sự giới thiệu của khách hàng cũ. Chị Hương sau khi sinh con đã quyết định mua máy lọc nước sạch để sử dụng trong gia đình. Qua thực tế sử dụng, chị nhận xét máy lọc nước CDI có chất lượng hoàn toàn xứng đáng với số tiền đã bỏ ra. "Nước lọc nhanh, có thể giữ khoáng tốt, đặc biệt là không tốn nhiều điện" - chị Hương cho hay.

Tuy nhiên, "cha đẻ" của máy lọc nước "made in Vietnam" nhận thấy giá thành sản phẩm còn khá cao so với mặt bằng chung. Thời gian tới, anh và các cộng sự sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng, kích thước sản phẩm và giảm tối đa giá thành.

Trăn trở với nông dân

Theo TS Đỗ Hữu Quyết, trong những đợt hạn mặn, người dân khu vực ĐBSCL vẫn phải mua nước ngọt với giá 50.000-100.000 đồng/m3. Do đó, mong muốn của anh là không chỉ sản xuất máy lọc nước sử dụng trong hộ gia đình mà có thể xây dựng hệ thống lọc nước lợ công suất tích hợp vào các nhà máy xử lý nước.

Trước đó, năm 2014, TS Đỗ Hữu Quyết là một trong những nhà khoa học trẻ làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khu Công nghệ cao TP HCM. Thời điểm này, anh có chuyến công tác tại ĐBSCL. Chứng kiến người dân vất vả tìm nguồn nước ngọt, trẻ con phải xách can nước đi hàng cây số..., anh đau đáu trong lòng. Trở về TP HCM, anh lao vào nghiên cứu máy lọc nước với tiêu chuẩn xanh, sạch, khỏe và bền.

Anh Quyết cho biết đã dành 5 năm nghiên cứu công nghệ siêu tụ điện tại Trường ĐH bang Florida (Mỹ) và hơn 8 năm chỉ để nghiên cứu lõi lọc nước CDI. Để cho ra đời máy lọc nước công nghệ CDI đầu tiên ở Việt Nam, anh đã tiêu tốn hơn 2 triệu USD để thử nghiệm.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo