Việt Nam từ lâu là một trong những nước có nhiều nguy cơ hứng chịu những dòng chảy của rác điện tử từ các nước phát triển. Trong khi đó, việc xử lý rác điện tử hiện còn bất cập nhưng chưa có được sự quan tâm đúng đắn và đúng mức của cả cơ quan quản lý lẫn cộng đồng xã hội.
Tận dụng bán ve chai
Theo ghi nhận của chúng tôi tại TP HCM, các vựa thu mua phế liệu, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12… có thể xem là điểm "quá giang" sơ chế một lần của rác điện tử để đi đến các điểm khác.
Bà U. (chủ một vựa ve chai lớn ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết: "Ngoài các loại phế liệu như giấy, nhựa, nhôm, sắt… tôi còn thu mua tivi, đầu máy, máy in… hư hỏng, hết hạn về rồi cho công nhân bóc tách, phân loại nhựa, đồng, nhôm, bo mạch để bán; ống mực, màn hình thủy tinh, bóng đèn tivi… Phế thải được chất đống chờ xe thu gom rác đến lấy vài tháng một lần. Còn tại các cửa hàng sửa chữa đồ điện tử, việc thải bỏ rác điện tử không còn sử dụng khá thoải mái. Theo anh T. (chủ cửa hàng điện tử; đường Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn), mỗi năm tiệm anh bán cho các tiệm ve chai khoảng 20 tivi cũ, nhiều đầu máy… với giá bán khoảng 20.000 đồng/tivi và 40.000 đồng/đầu máy.
Rác điện tử nằm la liệt tại một cơ sở phế liệu ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM Ảnh: THU HỒNG
Quản lý rác điện tử hiện còn bỏ ngỏ bởi nhiều địa phương cho rằng do chưa có quy định cụ thể nên chủ yếu vận động thu gom, tuyên truyền để người dân bỏ đúng nơi. Việc quản lý nguồn thải này từ hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì số lượng thu gom không đáng kể do đa số người dân chưa nhận thức được tác hại của loại rác thải này và còn tâm lý "bán ve chai kiếm tiền". Theo Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có gần 4 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải, ước tính khoảng 113.000 tấn. Lượng chất thải điện tử ở Việt Nam chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu lậu (dạng second-hand). Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là tivi có thể lên tới 250.000 tấn. Theo thống kê của chương trình Môi trường Liên Hiệp quốc (UNEP), mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3 kg chất thải điện tử năm 2018. Những đồ điện tử như tivi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay.
Cần xử lý đồng bộ
Chắc chắn tình hình sẽ tốt hơn nếu như cơ quan chức năng có cách siết lại quản lý để các hãng sản xuất và nhà phân phối sản phẩm điện tử, công nghệ có trách nhiệm tổ chức thu hồi những sản phẩm hư và cũ do mình đưa ra thị trường. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014 được cụ thể hóa bằng Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng, các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu chính thức, nhà phân phối các sản phẩm điện tử phải có trách nhiệm thi hành giải pháp thu gom các thiết bị điện, điện tử đã qua sử dụng hoặc bị hỏng của họ. Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội thông qua.
Samsung có lẽ là một trong những hãng có chính sách cụ thể để xử lý rác thải. Trên website của mình, Samsung Vina công bố chi tiết các thông tin về việc thu hồi rác thải điện tử cho toàn bộ sản phẩm Samsung được sản xuất và phân phối tại thị trường Việt Nam kể từ ngày 1-7-2016. Dù vậy, hiện hãng mới có thể tổ chức thu hồi rác thải điện tử tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, mỗi nơi chỉ có một điểm. Ông Nguyễn Trí Thông, Giám đốc truyền thông của Công ty Samsung Vina, chia sẻ đây là một nỗ lực lâu dài, tiến hành từng bước của Samsung ở Việt Nam. Xử lý rác thải điện tử không chỉ là một mặt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng xã hội. Theo ông Đào Đông Hải, phụ trách truyền thông OPPO Việt Nam, với các loại rác công nghệ, OPPO tiếp nhận và theo định kỳ quý sẽ chuyển sang cho công ty môi trường để tiến hành xử lý.
Tình hình xử lý rác thải công nghệ, rác thải điện tử ở Việt Nam chỉ có thể chuyển biến tốt hơn nếu có được sự đồng bộ từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cho tới người tiêu dùng. Người tiêu dùng có ý thức không vứt bừa bãi các sản phẩm điện tử, mỗi cửa hàng bán lẻ lớn có thêm một điểm thu hồi các loại rác thải điện tử.
Về quy trình quản lý rác thải điện tử, theo một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, điều 67 Luật Bảo vệ môi trường quy định việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ, cụ thể buộc chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thu hồi sản phẩm hết hạn hoặc thải bỏ… "Sắp tới, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, bổ sung sẽ quy định rõ hơn về trách nhiệm của các đơn vị sản xuất - kinh doanh, dịch vụ trong việc thu hồi sản phẩm thải bỏ. Kể cả hộ gia đình cũng sẽ có quy định cụ thể về phân loại rác tại nguồn, nếu không thực hiện đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm" - vị này nói.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, ở nhiều nước trên thế giới, nếu mang bỏ 1 cục pin ra môi trường sẽ bị phạt tù, riêng nước ta, người dân vô tư mang bỏ bóng đèn, pin vào sọt rác mà không lường trước tác hại của nó. Muốn người dân bỏ rác đúng nơi đúng chỗ, phân loại đúng thì việc thực thi luật phải nghiêm và chính quyền phải tạo điều kiện để người dân thực hiện.
Lượng thu hồi chỉ là phần lẻ
Có lẽ hoạt động năng nổ nhất và cũng lẻ loi để hạn chế rác thải điện tử là chương trình "Việt Nam tái chế" (thu hồi và tái chế miễn phí các sản phẩm điện tử bị lỗi, hư hỏng) do 2 hãng công nghệ Apple và HP tài trợ. "Việt Nam tái chế" cung cấp dịch vụ thu hồi rác thải điện tử cho các cơ quan, tổ chức nhà nước và khách hàng doanh nghiệp tại khu vực Hà Nội và TP HCM. Sau hơn 4 năm hoạt động, chương trình đã thu hồi được hàng chục tấn rác thải điện tử. Trong đó, chỉ riêng năm 2018, hơn 10 tấn, song dù nỗ lực nhưng số lượng rác thải thu hồi được chỉ là phần lẻ của lượng rác thải điện tử ở Việt Nam.
Bình luận (0)