Một xe tải chứa đầy rác điện tử tại Trung Quốc
Theo nghiên cứu từ United Nations University, số lượng các thiết bị điện tử tăng lên và số người có đủ khả năng mua chúng đã khiến rác thải điện tử tăng 63% tại châu Á chỉ trong vòng 5 năm qua.
Điện thoại, máy tính và các món đồ điện tử khác đã “đóng góp” 12,3 triệu tấn rác thải điện tử khắp châu lục này từ năm 2010 đến 2015. Chỉ riêng Trung Quốc, lượng rác thải điện tử tăng gấp đôi trong cùng kỳ.
Vòng đời công nghệ rút ngắn, dẫn đến nhu cầu thay thế cao hơn được xem là nguyên nhân khác khiến tình trạng ngày một trầm trọng tại đây. Nghiên cứu chỉ ra rác thải điện tử thường bị vứt bất hợp pháp, gây ra nhiều vấn đề môi trường.
Chẳng hạn, sản phẩm công nghệ thường chứa than chì và thủy ngân, độc hại đối với con người và trái đất. Trong khi đó, quy trình đốt đồ điện tử - thường diễn ra tại bãi rác để tránh lộn xộn, có thể gây bệnh mãn tính.
Đồng tác giả nghiên cứu Ruediger Kuehr của UN University cho biết: “Nó thực sự bùng phát. Các quốc gia phải nhận thức vấn đề không chỉ từ góc nhìn môi trường mà còn từ góc độ kinh doanh và kinh tế”. Khi không tái chế thiết bị điện tử, các nước đang đánh mất nguồn tài nguyên cần thiết để duy trì chuỗi sản xuất trong tương lai.
Dù phần lớn rác thải điện tử châu Á xuất phát từ chính khu vực, một số được vận chuyển từ các nước phương Tây để xử lý hoặc tái chế. Tuy nhiên, theo điều tra kéo dài 2 năm từ tổ chức môi trường Basel Action Network, đồ điện tử được đưa đến trung tâm tái chế tại Mỹ lại thường có kết cục tại những bãi rác ở Đài Loan, Trung Quốc hay Thái Lan.
Theo ông Kuehr, vấn đề rác thải điện tử tại châu Á cần nỗ lực khổng lồ để giải quyết. “Các chính trị gia cần đưa nó vào chương trình nghị sự chính trị để phát triển chính sách hợp lý. Tài chính vững vàng, hệ thống thu gom tốt và rất nhiều hợp tác quốc tế là những yếu tố cần thiết”.
Bình luận (0)