Nhiều gia đình công nhân gặp khó khăn trong việc đưa đón con đi học vì lịch làm việc theo ca khiến họ khó thu xếp thời gian. Áp lực trong việc đưa đón con đi học là một trong những khó khăn lớn mà nhiều công nhân đang phải đối mặt.
Nhiều công nhân phải dậy từ 4 giờ 30 phút để chuẩn bị bữa sáng, đồ dùng học tập cho con, sau đó vội vàng đưa trẻ đến trường trước khi bắt đầu ca làm.
Buổi chiều, con cái họ thường phải đợi ngoài cổng trường hoặc tự đi bộ về nhà qua những đoạn đường đông đúc, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Áp lực về thời gian và lo lắng về sự an toàn của con cái không chỉ gây căng thẳng cho phụ huynh mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình.
Kể về cuộc sống hằng ngày của mình chị Nguyễn Thị Hạnh (quê Tiền Giang), hiện làm công nhân tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết nơi chị làm việc bắt đầu lúc 7 giờ, buộc chị phải dậy sớm để chăm sóc hai con nhỏ đang học tiểu học. Chồng làm ca đêm, việc chăm sóc con cái dồn lên vai chị.
Mỗi sáng, chị Hạnh phải đưa cả 2 bé đến trường trước khi đến công ty. Thời điểm căng thẳng nhất là khi chị phải tăng ca, lúc này các con thường phải chờ hàng giờ ngoài cổng trường. Dù con gái lớn đã biết chăm sóc em, nhưng ở độ tuổi còn nhỏ, các bé vẫn chưa thể tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro tiềm ẩn.
"Năm sau, đứa lớn vào lớp 6 và chuyển sang trường khác, việc đưa đón sẽ càng khó khănhơn. Tôi đang cân nhắc cho bé về quê sống cùng ông bà, nhưng nghĩ đến việc sống xa con, tôi lại xót xa" - chị Hạnh bày tỏ.
Anh Phạm Lý Tưởng (quê Sóc Trăng) cũng chung nỗi lo với chị Hạnh. Vợ chồng anh đều làm ca cố định từ 7 giờ đến 17 giờ tại hai công ty khác nhau ở quận Bình Tân, TP HCM. Thu nhập hạn chế khiến họ không thể thuê người đưa đón con. Mỗi sáng, cả hai tranh thủ dậy sớm đưa con trai 9 tuổi đến trường. Trường cách nhà gần 1 km, nhưng chi phí bán trú lại quá cao, nên cháu phải về nhà ăn trưa và nghỉ ngơi trước khi trở lại lớp vào đầu giờ chiều, và tự đi bộ về nhà sau giờ tan học.
Dù rất lo lắng cho con khi phải tự đi về trên những đoạn đường đông đúc nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Anh chỉ có thể dặn con đi sát lề đường, chú ý quan sát khi qua đường để đảm bảo an toàn.
"Vợ chồng tôi có 2 con, đứa lớn gửi ông bà ở quê chăm sóc, cháu đã lớn nên tự đi học bằng xe đạp điện. Nhưng mỗi lần thấy tin tức về tai nạn giao thông, tôi càng thêm lo" - anh Tưởng nói.
Năm học này, vợ chồng chị Phạm Ngọc Hân (quê Hà Tĩnh) quyết định cho con học mẫu giáo tư thục, dù biết rằng sẽ rất tốn kém. Quanh khu trọ cũng có vài trường mầm non công lập với học phí phù hợp, nhưng cả hai đều làm ca, không thể thu xếp thời gian để đưa đón con đúng giờ.
"Trường công thường nhận trẻ lúc 8 giờ và trả lúc 16 giờ 30 phút, mà cả hai thời điểm ấy chúng tôi đều bận làm việc, chưa kể nhiều hôm phải tăng ca. Thực lòng, tôi muốn gửi con vào trường công để giảm bớt gánh nặng tài chính, nhưng vì không thu xếp được, cuối cùng đành phải chọn trường tư dù biết chi phí sẽ cao hơn" - chị Hân tâm sự.
Bình luận (0)