Cách đây gần 10 năm, để có tiền lo cho gia đình, chị Lâm Thị Nguyên đã xin vào làm công nhân một công ty dịch vụ công ích tại TP HCM. Khi ấy, nghĩ mình còn trẻ lại đang một mình nuôi con nhỏ, chị chỉ nghĩ làm sao để kiếm được đồng tiền nuôi con. Vì vậy, ngoài công việc chính là làm công nhân quét dọn vệ sinh vốn phải đi đứng, đẩy thùng rác liên tục 6-8 tiếng/ngày, chị còn tranh thủ thời gian rảnh để kiếm thêm, từ nhận đưa rước học sinh, nhận làm thêm công việc quét dọn chợ, giúp việc nhà… Cơ thể gần như không được nghỉ ngơi. Ấy vậy, thu nhập hàng tháng vẫn chỉ đạt khoảng 8 triệu đồng, vừa đủ trả tiền thuê nhà và chi phí khác như ăn uống, học phí cho con.
Mấy năm nay, cha của chị bệnh nặng chỉ nằm một chỗ, thêm nỗi lo thuốc thang, bồi bổ sức khỏe cho cha, chị càng ra sức làm việc.
Cái giá của sự cố sức làm việc là chị thường xuyên bị đau khớp gối, dẫn đến rách sụn khớp gối phải phẫu thuật và tập vật lý trị liệu suốt một thời gian dài mới tạm ổn. "Với điều kiện làm việc khó khăn như vậy, tôi biết nếu không nghỉ ngơi mà cứ ham làm thì bản thân sẽ phải trả giá bằng sức khỏe. Biết vậy nhưng tôi cũng không còn cách nào khác. Tuy nhiên, sau sự cố này, tôi sẽ quan tâm hơn đến sức khỏe của mình" - chị tâm sự.
Không chỉ công nhân vệ sinh, nhiều công nhân ngành dệt, may cũng đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, viêm xoang, các bệnh xương khớp và viêm da tiếp xúc…
17 năm làm công nhân may tại một công ty may mặc ở KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM), chị Nguyễn Thị Thương (47 tuổi, quê Bình Định) đã mắc phải nhiều căn bệnh như viêm xoang do thời gian dài hít bụi vải. Mặt khác, chị cũng thường xuyên bị đau cổ, vai, gáy do chỉ ngồi làm việc với một tư thế cố định suốt nhiều tiếng mỗi ngày, nhất là các thời điểm cao điểm phải tăng ca. Chị Thuợng tâm sự: "Khi còn trẻ, tôi không quan tâm đến các bệnh liên quan đến nghề nghiệp nhưng trải qua nhiều năm làm việc, sức khỏe suy yếu dần. Nhất là sau khi bị COVID-19 khiến sức chịu đựng của tôi kém hẳn. Vì vậy, tôi quyết định nghỉ việc cách đây 2 năm khi công ty gặp khó khăn, sụt giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm. Hiện tôi đi làm giúp việc theo giờ để kiếm sống"
Có thể thấy, những năm qua, bệnh nghề nghiệp có chiều hướng gia tăng và vẫn còn nhiều loại bệnh chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Theo Bộ Y tế, nếu như năm 2013, có 110.000 người được khám, phát hiện 21 loại bệnh nghề nghiệp thì đến năm 2022, đã có 465 nghìn người được khám, phát hiện 33 loại bệnh nghề nghiệp.
Để chăm sóc sức khỏe cho người lao động, Bộ Y tế đang dự thảo thông tư quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH với 35 bệnh nghề nghiệp được đề xuất nằm trong danh mục này.
Bộ Y tế cũng đề nghị các viện thuộc hệ y tế dự phòng, các trường đại học y, dược chủ động nghiên cứu, đề xuất các bệnh mới, đặc thù thuộc các lĩnh vực, ngành nghề để Bộ Y tế xem xét bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH. Căn cứ vào các tiêu chí đề xuất bệnh nghề nghiệp, Bộ cũng lưu ý các cơ sở lao động, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp, Công đoàn các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo đề xuất bổ sung các bệnh mới thuộc các lĩnh vực, ngành nghề để Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) xem xét bổ sung vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm...
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!