Năm 2024, Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế,tăng 38,9% và khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với năm 2023. Tổng doanh thu khoảng 840.000 tỉ đồng, tăng 23,8%, chiếm 7,3% GDP... Đây là những con số rất đáng khích lệ. Mấy ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngành du lịch càng phấn khởi vì tin vui khắp nơi.
Nhưng giữa bức tranh sáng hồng xuất hiện mấy vệt đen xám "chặt chém" khách du xuân. Giữa thời đại bùng nổ công nghệ, tốc độ lan truyền thông tin như… ánh sáng, cả thế giới biết việc quán ở Hà Nội thu 1.200.000 đồng 3 tô bún riêu khuya mùng 1 Tết. Quán cơm ở Phú Yên thu 2 phần cơm với trứng chiên, mực và rau muống xào, canh mùng tơi 1.010.000 đồng. Nhà hàng ở Vũng Tàu thu 1.440.000 đồng cho 4 con sò điệp Nhật…
Đây là những vụ nổi cộm, gây ra tác hại cực lớn đối với ngành du lịch, ảnh hưởng thương hiệu quốc gia. Rất đáng mừng, thông tin vừa đăng, chính quyền địa phương lập tức xác minh và xử lý. Hà Nội nhanh nhất, buộc quán tạm dừng kinh doanh. Giải trình của phía quán rất không ổn. Kinh doanh 30 năm mà đùa kiểu đó với khách lạ thì bó tay. Báo giá đùa (tô bún riêu 40.000 đồng thành 400.000 đồng), khách chuyển thật, vẫn im re. Nếu khách không đưa lên mạng, chắc quên luôn. Sau đó chủ quán xin lỗi, trả lại tiền chênh lệch, được khách chấp nhận hòa giải, đề nghị cho quán tiếp tục kinh doanh nhưng phường vẫn kiểm tra, trước khi cho phép hoạt động lại. Số tiền dư, được khách gửi vào quỹ Vì người nghèo của phường - một hành xử rất đẹp.
Có ý kiến cho rằng nếu là chủ quán, họ sẽ miễn thu luôn tiền 3 tô bún, thậm chí mời khách trở lại ăn miễn phí, xem như học phí kinh doanh.
Ở Phú Yên, 2 phần cơm 1.010.000 đồng bị khách phản ứng nhưng nhân viên phục vụ bảo: "Tết không lì xì, còn so bì giá!". Hai bên thương lượng, chủ quán cơm giảm còn 700.000 đồng, khách chuyển khoản nhưng vẫn ấm ức. Chưa rõ chính quyền xử lý thế nào. Ở Vũng Tàu thì khác. Nhà hàng niêm yết giá 920.000 đồng/kg. Khách dùng 1,2 kg giá 1.400.000 đồng. Đây là sò điêp Nhật, mỗi con 250 - 300 gr.
Ba vụ việc "tiêu biểu", có chung hiện tượng nhưng bản chất khác nhau. Trường hợp sò điệp Nhật ở Vũng Tàu, chủ quán có thể kiện khách hàng vì gây tác động xấu, ảnh hưởng thương hiệu, sụt giảm kinh doanh.
Để chấm dứt triệt để nạn "chặt chém", cần quy định tất cả nhà hàng, quán ăn, cửa hiệu phải niêm yết giá kèm định lượng cụ thể, tránh niêm yết giá lập lờ. Phải xử phạt thật nặng vi phạm, chẳng hạn phạt gấp 50 lần tiền "chặt chém", kết hợp xử phạt bổ sung bằng cách thu hồi giấy phép 3 - 6 tháng, tái phạm thu hồi giấy phép kinh doanh. Trường hợp khách hàng thông tin sai sự thật, phải bồi hoàn gấp đôi thiệt hại, bị xử lý hình sự nếu gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ngoài ra, quy trách nhiệm cụ thể của ngành và chính quyền tại chỗ khi xảy ra sự cố, từ việc xử lý, chấn chỉnh đến quản lý.
Nhiều người lâu nay không "sợ luật" vì xử phạt chưa nghiêm và chưa đủ răn đe. Kinh nghiệm lập lại trật tự giao thông của Nghị định 168 cần được vận dụng vào việc dứt điểm nạn "chặt chém" mới giúp cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Khách hàng không phải là thượng đế, cũng không muốn làm thượng đế. Họ chỉ muốn được tôn trọng, thuận mua vừa bán, cả hai cùng vui vẻ. Đó chính là văn hóa, giá trị cốt lõi của đạo đức kinh doanh.
Bình luận (0)