Việc chúng ta bắt đầu có những nhà hàng đầu tiên được Michelin ghi danh là một cú hích ở cấp độ quốc tế. Những nhà hàng được gắn sao Michelin sẽ có lượng khách tăng vọt 15%-20%, thậm chí có thể sẽ đến mức vài trăm phần trăm trong những tuần đầu tiên được ghi danh. Trên thế giới cũng có một tệp khách hàng chuyên đi theo danh sách Michelin để thưởng ngoạn các món ăn ngon nhất thế giới. Danh sách Michelin có một sức hút lớn đối với thực khách và cũng là sự công nhận cao bậc nhất đối với giới đầu bếp.
Ẩm thực Việt Nam đang ghi dấu ấn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày càng nhiều nhà hàng Việt xuất hiện ở các thành phố sang trọng bậc nhất. Cha đẻ của Marketing hiện đại, giáo sư Phillip Kotler, từng gợi ý Việt Nam nên định vị trở thành "Bếp ăn của thế giới"… Và đây là một gợi ý sáng giá. Có điều chúng ta chưa tận dụng đủ mạnh lợi thế này. Từ ngàn đời nay, ăn uống luôn là một hoạt động khiến con người kết nối một cách hết sức tự nhiên. Là biểu tượng của sự quây quần, của hòa bình gắn kết.
Ẩm thực là quyền lực mềm nhưng mạnh mẽ, hoàn toàn có thể giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả. Một ấm trà thơm ngát hương sen Tây Hồ, một bát chè trong con hẻm liêu xiêu đất Huế, một ổ bánh mì nóng hổi ấm lòng buổi sáng vội vã ở TP HCM. Con người có thể hiện ra qua ẩm thực dưới nhiều sắc diện, từ cầu kỳ đến đơn giản, từ sang trọng đến gần gũi.
Nếu biết tận dụng, ẩm thực là lời giới thiệu tuyệt vời những điều gần gũi nhất của Việt Nam ra thế giới. Những tỉ phú quyền lực nhất thế giới đến Việt Nam, họ có thể ăn những món ăn triệu đô nhưng họ vẫn chọn ngồi ở một quán phở vỉa hè bởi môi trường văn hóa tỏa ra xung quanh không gian có vẻ như xô bồ đó. Những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới khi đến Việt Nam chọn ăn những món mà người dân bình thường vẫn ăn từ thời bao cấp… Họ muốn thưởng thức cả lịch sử được nén trong miếng bún chả đó.
Khi Michelin xếp hạng 4 nhà hàng đầu tiên của Việt Nam có sao và 103 nhà hàng nữa được đưa vào danh sách tuyển chọn, tranh cãi đã nổ ra rất nhiều… Nhiều người cho rằng Michelin không "hiểu" ẩm thực Việt, những nhà hàng được nằm trong danh sách đều "bình thường" và rất nhiều nhà hàng xuất sắc khác xứng đáng nhưng không thấy được xuất hiện trong danh sách.
Với cá nhân tôi, dĩ nhiên tôi tiếc lắm! Tiếc vì tại sao nền ẩm thực Việt Nam giàu đẹp như vậy mà quá ít cái tên được đưa vào danh sách Michelin. Bởi có những món ăn không phải chỉ là món ăn, mà còn là cả không gian của món ăn đó nữa, như ăn cốm làng Vòng trong tiết trời thu nắng vàng ươm của Thăng Long, hay một miếng nem lụi dưới làn mưa bụi ngắm cầu Tràng Tiền… Có rất nhiều món ăn đã không còn đơn thuần là món ăn nữa, nó đã trở thành ký ức của nhiều thế hệ, là vẻ đẹp của thời gian và trở thành biểu tượng của cả một vùng miền.
Tuy nhiên, khi Michelin xếp hạng thì ta hãy tôn trọng họ và những tiêu chuẩn của họ. Mặc dù tiếc và có nhiều điều không đồng ý với danh sách của Michelin nhưng nhìn xa hơn, việc tranh cãi chứng tỏ người dân thực sự rất quan tâm và sức hút của ẩm thực là rất lớn.
Với cá nhân tôi, một người có một thời gian dài làm trong ngành du lịch, được thưởng lãm nhiều nền ẩm thực khác nhau và hiện giờ đang kinh doanh trong lĩnh vực này thì ẩm thực Việt Nam đa dạng và có chiều sâu không kém cạnh bất cứ một nền ẩm thực nào trên thế giới. Đặc biệt, ẩm thực Việt Nam còn rất lành, không quá dầu mỡ như đồ Trung Quốc, không quá cay như đồ Thái, đồ Ấn, không quá béo như đồ Âu, đồ Mỹ và đây là điều khiến ẩm thực Việt đi theo đúng xu hướng tiêu dùng tốt cho sức khỏe của thế giới.
Tôi tin rằng đây là năm đầu tiên nên những nhà phân tích của Michelin mới chỉ cảm nhận được một phần nhỏ của ẩm thực Việt. Vậy hãy chờ đến những năm sau, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều ngôi sao Michelin nữa xuất hiện để Việt Nam thực sự khẳng định mình là "Bếp ăn của thế giới".
Bình luận (0)