Tốt nghiệp ngành quản trị du lịch và lữ hành một trường ĐH tại Đà Nẵng, ban đầu anh Nguyễn Thanh Phương (ngụ tại quận Bình Tân, TP HCM) dự định ở lại thành phố này để tìm cơ hội việc làm. Song, không may, năm 2022, thời điểm Phương ra trường lại đúng lúc dịch Covid-19 đang bùng phát nên không thể tìm được việc làm. Phương quay về nhà tại TP HCM nhưng cũng không tìm được cơ hội nào, đành phải đăng ký chạy xe ôm công nghệ để mưu sinh.
Trong thời gian chạy xe, Phương cũng tranh thủ tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp ngành nghề. Song, cơ hội khá ít ỏi, lại đòi hỏi kinh nghiệm nhưng thu nhập thấp, nên đến nay Phương vẫn gắn bó với nghề chạy xe ôm công nghệ.
Theo nghiên cứu của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2021, chỉ tính riêng một nền tảng xe công nghệ với khoảng 200.000 tài xế, đã có 26% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Khảo sát của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) thực hiện với 400 tài xế công nghệ ở TP HCM cho kết quả 11% có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, 12% tài xế có trình độ đại học.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam năm 2021 cho thấy tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, có hơn 1.000 công nhân đã tốt nghiệp đại học. Con số này có thể còn cao hơn do nhiều người chỉ khai nhận đã tốt nghiệp phổ thông để tránh dị nghị.
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (Đoàn đại biểu quốc hội TP HCM), tình trạng cử nhân cất bằng để đi làm công nhân hoặc chạy xe ôm, xe công nghệ, phục vụ bàn diễn ra phổ biến, trong khi thực tế cho thấy việc tuyển sinh của khối trường nghề rất khó khăn.
Quy mô, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, học viên phải đào tạo lại mới tham gia vào thị trường lao động gây lãng phí, mất cân đối trong giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". Liên quan vấn đề này bà Yến đã gửi gửi phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về giải pháp khắc phục bất cập nêu trên.
Về thực trạng quy mô, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp:
Trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay đào tạo nghề trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay luôn xác định mục tiêu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và việc hợp tác với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trên cơ sở hợp tác giữa 3 nhà "Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp", doanh nghiệp được mời tham gia vào hoạt động đào tạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tham gia vào quá trình đào tạo, tham gia đánh giá kết quả đầu ra và cuối cùng là tuyển dụng người học tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp. Hiện nay, người học tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp năm 2020, chỉ có 11,52% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng trình độ tay nghề của người lao động không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Việc các doanh nghiệp phải thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng hay đào tạo lại cho người học khi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động cũng là việc bình thường khi công nghệ, quy trình, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp cũng thay đổi thường xuyên, liên tục (nhất là trong các lĩnh vực may mặc, lắp ráp linh kiện...) hoặc việc huấn luyện văn hóa, quy định đặc thù của mỗi doanh nghiệp.
Đây là những vấn đề mà các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp khó có thể tự đào tạo mà cần có sự phối hợp với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp phải tự đào tạo (trong một số trường hợp doanh nghiệp cần giữ bí quyết, bí mật quy trình sản xuất, kinh doanh)
Về tình trạng thừa thầy, thiếu thợ:
Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, số liệu thống kê hàng năm (của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho thấy số sinh viên đại học tốt nghiệp mỗi năm khoảng từ 250.00 - 300.000 người; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hàng năm cũng khoảng 300.000 - 320.000 người.
Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý bậc trung và bậc cao chỉ chiếm 27,6%. Như vậy, việc sinh viên tốt nghiệp ở trình độ đại học trở lên khó tìm kiếm việc làm hoặc phải làm những công việc chỉ yêu cầu ở trình độ thấp hơn là thực trạng đang diễn ra trên thị trường lao động hiện nay.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định lựa chọn học tập, nghề nghiệp là tổng hòa các yếu tố: Môi trường xã hội, nhận thức của người dân và bản thân học sinh, sinh viên. Do vậy, cần nhận thức đúng để có lựa chọn học tập sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Bình luận (0)