"Tết thời số" với tôi được biểu hiện qua ba việc: việc đầu tiên là lưu giữ khoảnh khắc Tết lên Facebook, Zalo, TikTok..., việc thứ hai là liên lạc với nhau và việc thứ ba là sự bàn luận của cư dân mạng về không khí Tết.
Dưới đây là trải nghiệm của tôi trong ba việc trên khi Tết Ất Tỵ 2025 đang về.
Hơn mươi năm sống và làm việc tại Sài thành, vào dịp giáp Tết, tôi thường ghé đến cảnh hội Xuân và phố ông Đồ ở Nhà Văn hóa Thanh niên để vãn cảnh không khí Tết, chụp ảnh và mua sắm một ít đồ để mang về quê. Dạo mấy năm gần đây và năm nay cũng thế, các bạn nam thanh nữ tú, kể cả những cô chú trung niên, già trẻ gái trai tề tựu về khuôn viên nhà văn hóa rất đông. Những chiếc áo dài đỏ vàng dập dìu chụp ảnh tại các tiểu cảnh. Đó là những tiểu cảnh thân quen với văn hóa truyền thống ngày Tết của Việt Nam.
Tôi nhìn thấy những cây mai vàng giả khoe sắc vàng rực rỡ dưới ánh nắng vàng hoe. Thi thoảng có những chiếc lu, khạp màu nâu đậm chụm đầu vào nhau nằm bên cạnh những cuộn rơm vàng. Ngay bên cổng chào của nhà văn hóa, những đóa hoa cúc mâm xôi màu đỏ, màu vàng xếp chồng lên nhau khoe sắc. Đôi ba bác thợ ảnh tóc bạc hoa râm chờ những tốp chị em phụ nữ muốn chụp ảnh check-in để kiếm ít đồng bạc. Phần đông là đến chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc xuân mới, những chiếc điện thoại thông minh đủ hiệu từ iPhone, Samsung chụp đủ tư thế tạo dáng, đủ kiểu ảnh.
Đằng kia, cô nàng mặc chiếc áo dài cổ phục xưa đánh phấn má hồng nở nụ cười tỏa nắng tạo dáng dịu dàng thướt tha bên những chậu cúc mâm xôi. Những câu nói thân quen "Đứng sang bên một chút. Cười lên nào. Một hai ba chụp. Một kiểu khác nữa..." chắc chắn bạn sẽ được nghe. Tiếng nhạc Tết đì đùng, người đi qua đi lại mua sắm ở phiên chợ Tết Việt và chụp ảnh, tôi thầm nghĩ không khí Tết là đây, vì ở đây là sự hoan ca, là hội bạn hữu, là gia đình nô nức chụp ảnh, mua sắm và vãn cảnh.
Dạo một vòng trong khuôn viên nhà văn hóa, tôi và những người bạn vòng ra bên vỉa hè giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai để ngắm phố ông đồ.
"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua"...
(Bài thơ "Ông đồ" - Vũ Đình Liên)
Tôi bắt gặp hình ảnh người đi xin chữ, những nét chữ đậm nhạt, to nhỏ trên những trang giấy gây cho lòng tôi một sự rung cảm nhất định.
Ngoài chụp ảnh ở nhà văn hóa, năm nay thành phố vận hành tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, nhiều bạn trẻ mặc áo dài cổ phục đến chụp ảnh, quay video cầm trên tay cành mai, cành đào hay chiếc quạt để về post lên mạng xã hội lưu giữ kỉ niệm. Có chuyện hữu duyên như vầy, sáng đó tôi mới đến trạm Metro Văn Thánh ngồi nhâm nhi ly cà phê thấy một tốp bạn trẻ chụp hình, quay phim.
Cũng chiều hôm đó, tôi lướt TikTok đã thấy video của các bạn đó trở lên xu hướng, với triệu lượt xem, hàng nghìn lượt tim... Video chỉ vỏn vẹn một phút nhưng tôi đã chứng kiến để tạo ra video đó mất cả mấy tiếng đồng hồ. Tôi thấy lý thú và hữu duyên với các bạn trẻ này.
Chuyện kế tiếp là liên lạc Tết với nhau, mới 20 Tết mẹ tôi điện Zalo lên hỏi "Bao giờ con về Tết? Về sớm đưa ông Công ông Táo con ơi..."
Tôi liền trả lời mẹ: "Mẹ ơi con chờ lương và thưởng Tết, cỡ 26 Tết con mới về".
Nghe giọng mẹ tôi bùi ngùi "Cố gắng giữ gìn sức khỏe con nhé!".
Tôi đi làm ăn xa xứ nên nôn về quê ăn Tết lắm. Vì nhà dưới quê đồng tiền làm ra khó nên Tết còn phải lo cơm áo gạo tiền. Người làm nhân viên văn phòng như tôi, đều mong muốn có chút tiền cuối năm, lương tháng mười ba, thưởng để về có thêm tiền biếu cha mẹ và sắm sửa cho ngày Tết thêm phần ấm cúng. Nhờ có công nghệ, tôi rảnh là điện về hỏi thăm cha mẹ qua Zalo, hỏi thăm chị qua Facebook giúp xóa nhòa đi khoảng cách.
Hay, nhà tôi từ ngoài Bắc vào Nam tha phương để lập nghiệp, mỗi năm Tết đến nhờ có những chiếc điện thoại thông minh mà có thể gọi hỏi thăm họ hàng ngoài Nam Định bằng những cuộc gọi video.
Từ ngày ra trường đi làm, công việc của tôi cứ đều đều hàng ngày, sáng đi làm tối về căn trọ nhỏ, thời gian trôi qua lẹ làng nên về nhà thường lướt chút mạng xã hội vừa để giải trí vừa giúp giải tỏa mệt mỏi. Dạo gần đây không khí Tết ngập tràn trên mạng xã hội bởi sự kiện linh vật của năm mới. Từ khi Tết Dương lịch đến những ngày giáp Tết Âm lịch, hình ảnh linh vật của các tỉnh, thành phố dần dần xuất hiện trên mạng xã hội Facebook và TikTok, tạo được một hiệu ứng và sự quan tâm đông đảo của cư dân mạng.
Năm nay là năm con Rắn, các bạn trẻ gọi lóng thân thương là bé "Na". Không khí bình luận về bé Na sôi nổi từ bé Na ở Quảng Ngãi, được sáng tạo bởi một nghệ nhân nổi tiếng đã làm ra các linh vật nổi tiếng mỗi năm, đến tạo hình linh vật rắn ở chợ Lách – Bến Tre, thêm cả linh vật rắn tại Bạc Liêu, linh vật ở Phú Yên hay ở phố đi bộ Sài thành... Mỗi tỉnh có một linh vật bé Na với một sắc thái riêng, có bé Na nhìn oai nghiêm, "sang chảnh", có bé Na nhìn thấy cũng rất hợp xu hướng như bé Na "Pickleball"... Chính điều này đã giúp cư dân mạng xích lại gần nhau, người chê người khen, bình luận rôm rả.
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tết bây giờ cũng đi theo thời đại, chuyển mình vào thời đại số. Tôi tin rằng những ý nghĩa nhân sinh, truyền thống tốt đẹp vẫn được giữ lại, đó là tình cảm yêu thương, truyền thống uống nước nhớ nguồn... Tôi thiết nghĩ bản thân phải cố gắng hơn trong công việc và cuộc sống, hạnh phúc trên hành trình mình đi, để năm sau Tết về, cái Tết ấm hơn, sung túc hơn. Ngày Tết là ngày của đoàn viên, của những câu chúc tốt đẹp cho nhau. Về kịp nhà trước tối 30 Tết với tôi là điều may mắn, nhân dịp một năm mới gần đến, tôi xin gửi lời chúc "quốc thái dân an" – điều mà tôi hay cầu nguyện khi đi lễ chùa.
Bình luận (0)