Cuối ngày 22-7, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, biểu lãi suất của một số ngân hàng tiếp tục có sự thay đổi.
Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) điều chỉnh tăng lãi suất khá mạnh ở kỳ hạn dài 24 tháng lên 5,4%, tăng tới 0,6 điểm % so với giữa tháng 7. Một số kỳ hạn khác của ngân hàng này cũng tăng, như kỳ hạn 12 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,4%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng lên 4,6%/năm… Đây là lần điều chỉnh tăng khá cao của HDBank sau khoảng 1,5 tháng ổn định.
Ngân hàng Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank) cũng vừa tăng lãi suất kỳ hạn 9 tháng thêm 0,5 điểm % lên 5%/năm. Khách hàng gửi kỳ hạn dài 12 tháng lãi suất tăng 0,3 điểm % lên 5,5%/năm.
Trên thị trường xuất hiện mức lãi suất vượt 6%/năm tại ngân hàng số Caky by VPBank. Theo thông báo mới nhất, ngân hàng số này tăng mạnh ở các kỳ hạn. Khách gửi 6 tháng lãi suất là 5,2%/năm và gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất lên tới 6,2%/năm, tăng cao nhất tới 0,5 điểm % so với trước đó.
Ở nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là cái tên duy nhất tăng lãi suất tiền gửi trực tuyến thêm 0,1 điểm %, lên 4,9%/năm khi khách hàng gửi dài từ 24-36 tháng.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDIRECT, cho rằng lãi suất huy động sẽ tăng ở mức vừa phải và kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ đạt 5,3% - 5,5% vào cuối năm nay.
Theo nhiều chuyên gia, dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay sẽ duy trì ổn định, thậm chí có thể giảm thêm để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã nhích lên, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn trước COVID-19.
Bình luận (0)