Ngày 11-12, TAND tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 4 bị cáo liên quan sai phạm tại dự án "đất vàng" Golden Gate - số 28E Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Thất thoát gần 138 tỉ đồng
Bốn bị cáo gồm Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này.
Cáo trạng truy tố 4 người trên tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án Nha Trang Golden Gate ở khu đất số 28E Trần Phú với diện tích 20.112 m2.
Hồ sơ thể hiện năm 2013, Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang có văn bản đăng ký đầu tư dự án khách sạn, căn hộ cao cấp tại khu đất do Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Trung tâm Điều dưỡng - Tổng Công ty Điện lực Miền Trung quản lý.
Bị cáo Lê Đức Vinh có đơn xin vắng mặt vì thời gian chấp hành 2 bản án của 2 vụ án trước ông bị bệnh và không đủ điều kiện sức khỏe. Bị cáo Võ Tấn Thái cũng có đơn xin vắng vì sức khỏe yếu.
Từ năm 2013 đến 2015, 4 bị cáo đã có nhiều sai phạm trong việc lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh đối với dự án xây dựng nhà ở; thỏa thuận phương án kiến trúc, quy hoạch; quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Từ những sai phạm đó, Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang được thực hiện dự án nhà ở không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Kết luận định giá tài sản của hội đồng cấp bộ xác định giá trị quyền sử dụng đất và tiền thuê đất trả một lần của dự án thời điểm ngày 16-2-2016 là hơn 213 tỉ đồng. Con số này cao hơn số tiền UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang gần 138 tỉ đồng.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng đồng ý chủ trương, ký giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, ký thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch đối với dự án Nha Trang Golden Gate lên đến 56 tầng, quy mô 3.240 căn hộ. Ông Thắng cố ý làm trái quy định pháp luật, biến một dự án chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư thành dự án được công nhận. Đồng thời, ông Thắng đã chỉ định Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn.
Hợp thức hóa sai phạm
Tại phiên tòa, HĐXX đã chất vấn bị cáo Thắng tại sao lại cho phép dự án lên đến 56 tầng trong khi quy hoạch chung TP Nha Trang được Chính phủ phê duyệt chỉ 40 tầng? Lý do vì sao lại thu hồi đất của một đơn vị để giao cho đơn vị khác mà không qua đấu thầu, đấu giá trong khi dự án này không thuộc diện nhà nước đứng ra thu hồi?...
Bị cáo Thắng lý giải giới hạn 40 tầng là do có sân bay Nha Trang, sau khi sân bay này dừng hoạt động thì có thể nâng tầng. Khi bị cáo đồng ý chủ trương, thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch, biết là có sai nên đã xin phép Chính phủ. Sau này, Phó Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu thực hiện đúng 40 tầng thì các lãnh đạo sau đã sửa sai, điều chỉnh số tầng, số căn cho phù hợp.
Bị cáo Thắng nói hành vi của mình chưa gây hậu quả, thậm chí còn cho rằng nếu làm đúng thì khu đất ở chỉ phân lô, thấp tầng sẽ rất lãng phí, việc nâng tầng để tiết kiệm tài nguyên.
Tuy nhiên, HĐXX nhận định bị cáo đứng trên cương vị lãnh đạo tỉnh, không thể biết sai quy định pháp luật rồi xin điều chỉnh, hợp thức hóa cho sai phạm. Bị cáo chưa trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi.
Đối với bị cáo Đào Công Thiên, theo cáo trạng, từ chỉ đạo của ông Thắng, bị cáo Thiên đã ký quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng không đấu giá quyền sử dụng đất, giao không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất. Tại phiên tòa, bị cáo Thiên cho rằng do hoàn cảnh phân cấp quyền, dự án đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận đầu tư nên bị cáo cứ thế thực hiện. Bị cáo thắc mắc không hiểu lý do vì sao không phù hợp kế hoạch sử dụng đất ở địa phương trong khi dự án này đã được thẩm định phù hợp quy hoạch đất ở, đất thương mại - dịch vụ.
HĐXX một lần nữa giải thích xây dựng không đúng sẽ phá vỡ quy hoạch, đồng thời hỏi bị cáo có kiểm tra những gì mình ký hay không. Trả lời câu hỏi, bị cáo Thiên nói ký giao đất, cho thuê đất phải qua bộ máy tham mưu với 17 chữ ký khác. "Bộ máy tham mưu cồng kềnh như vậy đó là vấn đề..." - bị cáo Thiên bao biện.
Vụ án tiếp tục được xét xử trong những ngày tới.
Vi phạm ở cả 2 vị trí
Đối với bị cáo Lê Đức Vinh, thời điểm 2013-2015, ông này đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Vinh đã chủ trì họp, đồng ý chủ trương mở rộng địa điểm, hợp 2 thửa đất tại số 28E Trần Phú để lập dự án đầu tư xây dựng khu tổ hợp khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp - Nha Trang Golden Gate.
Ngoài ra, ông Vinh còn ký 2 quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, ký công văn chỉ đạo công tác bồi thường, xử lý tài sản trên đất tại dự án. Đến ngày 20-11-2015, với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Vinh chỉ đạo bàn giao tài sản trên đất cho Công ty Đỉnh Vàng Nha Trang.
Bình luận (0)