Đáng chú ý, vốn tín dụng ra nền kinh tế giảm trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng và các NH thương mại sẵn sàng đẩy vốn cho vay ra nền kinh tế.
Hệ thống NH đang tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, là kênh huy động vốn chính của nền kinh tế. Tính đến cuối tháng 12-2023, tổng tài sản của hệ thống NH đạt hơn 20 triệu tỉ đồng - tăng 3,5 lần so với năm 2013. Hệ số an toàn vốn (CAR) trong giai đoạn 2013-2023 đạt 13%.
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm và duy trì ở mức thấp. Hiện lãi suất tiền gửi 12 tháng của các NH lớn đang ở dưới mức 5%/năm. Tỉ lệ lạm phát được kiểm soát ở mức thấp liên tục trong giai đoạn 2014-2024 (dưới 3%) sẽ là điều kiện thuận lợi để các NH thương mại kích cầu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp.
Tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm nay cần được đặt trong bối cảnh tín dụng tăng rất cao vào cuối năm 2023 giúp tăng trưởng tín dụng cả năm ngoái tăng 13,78%. Mặt khác, tín dụng tăng chậm lại có yếu tố mùa vụ và phụ thuộc nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Một số DN đáp ứng đủ điều kiện nhưng chưa nhìn thấy cơ hội sản xuất - kinh doanh nên chưa vay; còn một số DN muốn vay nhưng không còn tài sản thế chấp, không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp cận vốn.
NH là một định chế tài chính đặc thù, hoạt động bằng cách huy động tiền gửi từ dân cư để cho vay. Do đó, NH không thể hạ chuẩn cho vay, cũng không thể đáp ứng nhu cầu vốn ở mọi phân khúc rủi ro.
Thực tế, có thể nhìn thấy tăng trưởng tín dụng trong dài hạn, còn mức suy giảm trong 2 tháng đầu năm chưa quá đáng lo. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm nhiều so với năm ngoái và tiếp tục được kỳ vọng duy trì ở mức thấp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát. Có điều, lãi suất không phải là yếu tố duy nhất để DN quyết định vay vốn tín dụng mà tùy thuộc vào triển vọng kinh doanh và điều kiện đáp ứng của DN.
Để giải bài toán về vốn cho DN, bên cạnh phục hồi các kênh huy động vốn khác như trái phiếu DN, thị trường chứng khoán..., cần tiếp tục đa dạng hóa các kênh huy động vốn theo mức độ rủi ro khác nhau. Trong đó, phát triển các quỹ đầu tư vốn cổ phần riêng lẻ (Private Equity - PE), quỹ đầu tư mạo hiểm là một hướng đi. Những quỹ này sẵn sàng đầu tư vào các DN gặp khó khăn, những DN có tiềm năng phát triển nhưng chưa huy động đủ vốn, bao gồm cả DN đang hoạt động và DN khởi nghiệp. Họ sẽ đầu tư khoảng 10%-20% cổ phần để cùng phát triển DN, nếu lợi nhuận công ty phục hồi thì giá trị lợi nhuận mang về cho các quỹ sẽ tăng lên. Quan trọng là mô hình của các quỹ này chấp nhận độ rủi ro nhất định - phân khúc mà DN chưa thể tiếp cận vốn tín dụng NH vì hết tài sản thế chấp hoặc không đủ điều kiện.
(Thái Phương ghi)
Bình luận (0)